Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2019 trước khúc quanh quyết định” do Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức vừa qua đã nhận diện năm 2019: Đóng vai trò quyết định cho sự thành công của kế hoạch 5 năm 2016-2020, và vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
2018: Niềm vui tăng trưởng cao đi kèm nỗi lo giảm tốc
PGS.TS.Nguyễn Đức Trung -Phó hiệu trưởng Trường Đại học ngân hàng TP.HCM, nhận định: Năm 2018 khép lại với những thành tựu đặc biệt trong phát triển kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% -là mức tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây, nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới.
Đóng góp lớn nhất là ngành chế biến và chế tạo với mức tăng trưởng 12,98%, công nghiệp xây dựng tăng 8,85%, dịch vụ tăng 7,03%, nông nghiệp tăng 3,76% (mức tăng cao nhất tính từ năm 2012).
Tiêu dùng tư nhân cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của tổng cầu với mức tăng cao hơn năm trước 11,7%. Đầu tư tư nhân vẫn giữ được nhịp tăng của năm trước ở mức 18,5% trong bối cảnh đầu tư toàn xã hội tăng trưởng ở mức thấp hơn so với năm trước.
Hoạt động xuất nhập khẩu đã thiết lập kỷ lục mới với giá trị xuất siêu cả năm ở mức 7,2 tỷ USD, tăng 147% so với năm trước đó. Đặc biệt, lần đầu tiên khu vực tư nhân có mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (15,9% so với 12,9%).
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2019 so với quý IV/2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy: 85,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định; Chỉ số phát triển bền vững năm 2018 tăng 11 bậc, xếp hạng 57/176 quốc gia.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế năm 2018 vẫn còn một số mảng đáng lo ngại. Tăng trưởng đã có dấu hiệu chậm lại từ nửa sau năm 2018, đồng thời xuất hiện sự trái quy luật so với những năm trước đó. Sự chậm lại này xuất hiện ở chính hoạt động dẫn đầu tăng trưởng là công nghiệp. Cụ thể, tăng trưởng toàn ngành công nghiệp trong 2 quý cuối năm 2018 có dấu hiệu giảm nhẹ so với 2 quý đầu năm -trái ngược với qui luật cuối năm tăng trưởng cao hơn so với đầu năm.
Quý III/2018 đã chứng kiến sự giảm tốc của nền kinh tế, quý IV/2018 tuy đạt 7,31% nhưng thấp hơn cùng kỳ 2017. Đáng chú ý, những ngành vốn tạo động lực cho giai đoạn 2015 trở lại đây như điện thoại, điện tử, xây dựng… đã không còn duy trì được tốc độ ấn tượng như 2016-2017, ngành khai khoáng tiếp tục chuỗi thời gian tăng trưởng âm, ngành dịch vụ tăng trưởng thấp hơn so với 2017.
Có nên chạy theo mức tăng trưởng 7% ?
Báo cáo thường niên Kinh tế vĩ mô Việt Nam (do nhóm nghiên cứu của PGS.TS.Nguyễn Đức Trung thực hiện) nêu rõ: Đối với tăng trưởng năm 2019, nền kinh tế có những nhân tố tích cực cho tăng trưởng đến từ triển vọng lạc quan của kinh tế thế giới, sự ổn định của tăng trưởng khu vực tư nhân ở cả cấu phần tiêu dùng và đầu tư, cùng với đó là xu hướng phục hồi của ngành nông, lâm, thuỷ sản.
Theo nhóm nghiên cứu, tính từ năm 2008 (Việt Nam đạt mức GDP bình quân đầu người 1.070USD, trở thành quốc gia đạt mức thu nhập trung bình), nếu tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, Việt Nam cần 40,5 năm để chuyển sang nước có thu nhập cao. Bởi theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, quốc gia không vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người từ 1.000-10.000USD/năm trong 42 năm thì bị xem là rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Các chuyên gia đánh giá, mức tăng trưởng bình quân 7%/năm trở nên khó khăn hơn khi kinh tế thế giới giai đoạn 2019-2020 được dự đoán tiềm ẩn những diễn biến hết sức khó lường. Dòng FDI vừa có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu, vừa có tín hiệu chuyển hướng về các nước có nguồn lực công nghệ cao trên nền tảng 4.0 cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Thành -Giám đốc phát triển Trường Đại học Fullbright Việt Nam, lo ngại về số vốn FDI đăng ký năm 2018 giảm 15,5% so với 2017: “Đây là dấu hiệu đáng báo động cho sự suy giảm của nguồn lực này sắp tới. Tuy nhiên, có một số ngành có cơ hội tăng trưởng trong năm 2019, là những ngành có thể cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc như nội thất, tôm đông lạnh…”.
Theo tính toán trong báo cáo, sản lượng thực của nền kinh tế đang dao động quanh mức sản lượng tiềm năng, một sự mở rộng sản lượng không xuất phát từ những động lực nền tảng sẽ dễ gây áp lực lên lạm phát. Mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào vốn và khai khoáng của Việt Nam đã đi đến ngưỡng và không còn dư địa, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang diễn ra nhưng không thể thực hiện trong ngắn hạn.
Theo đó, duy trì tăng trưởng cao sẽ gặp áp lực lớn từ mất cân đối vĩ mô, vì vậy các chính sách theo đuổi tăng trưởng cần phải cẩn trọng. Trong những năm gần đây, Chính phủ luôn bám sát định hướng ổn định vĩ mô song song với tăng trưởng kinh tế, không theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá. Từ những phân tích này, tăng trưởng kinh tế năm 2019 được nhóm nghiên cứu dự báo dao động quanh mức 6,7%.
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn
Tàu cá Khánh Hòa gặp nạn trên biển Vũng Tàu, 10 ngư dân mất tích
Tàu cá Khánh Hòa gặp nạn trên biển Vũng Tàu, 10 ngư dân mất tích
Kiên Giang: Tàn cuộc nhậu, ngư phủ rủ cô gái mới quen đi chơi riêng rồi sát hại