Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, các địa phương ở miền Tây đã có mưa lớn kéo dài khiến năng suất, chất lượng cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nông dân đứng ngồi không yên lo mất tết.
Mất vụ dưa hấu tết
Xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau trong nhiều năm qua được xem là nơi cung ứng dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán lớn nhất của tỉnh Cà Mau và một số vùng lân cận. Vụ dưa hấu tết năm nay, nông dân trong xã xuống giống 68ha, với 120 hộ sản xuất.
Dù từ đầu mùa vụ, thời tiết không thuận lợi do mưa kéo dài, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm trồng dưa hấu, nông dân nơi đây cơ bản khắc phục những yếu tố bất lợi để sản xuất. Thế nhưng, từ ngày 3 – 4/1/2019, mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao đã khiến nhiều diện tích trồng dưa của người dân chìm trong biển nước.
Sau hai ngày nỗ lực be bờ, tát nước cho 0,5ha ruộng dưa, ông Huỳnh Tấn Liệp (ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm) cho biết: Trước đó, sau khi huy động được hai máy bơm để bơm nước ra, thì bất ngờ bờ bao bị vỡ. Gia đình đành bất lực trong việc cứu ruộng dưa, vì dù có làm gì thì dưa cũng hư hết rồi.
“Vụ dưa năm nay, gia đình tôi đầu tư gần 40 triệu đồng, trong đó, tiền phân bón đều phải mua chịu từ đại lý. Mỗi năm, người dân nơi đây đều trông cậy vụ dưa hấu này để có một cái tết no đủ, nhưng giờ đây xem như mất trắng” – ông Liệp nói trong nước mắt.
Cùng hoàn cảnh với gia đình ông Liệp, ông Trương Văn Đoàn (ngụ ấp Bà Điều) có 0,3ha diện tích trồng dưa hấu cũng có nguy cơ mất trắng. “Vụ dưa tết năm nay, gia đình kỳ vọng sẽ cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng như mọi năm. Nhưng bây giờ xem như mất trắng. Vợ tôi không dám ra xem ruộng dưa như thường ngày nữa. Chắc vợ chồng tôi phải đi làm mướn để trả khoản nợ đã đầu tư vào vụ dưa” – ông Đoàn buồn bã nói.
Bà Cao Mỹ Hiền – người có thâm niên trong sản xuất dưa hấu tết, chia sẻ: “Gia đình đã huy động 4 máy bơm tăng cường bơm nước trong suốt 2 ngày đêm để bảo vệ ruộng dưa. May mắn hơn nhiều hộ là ruộng dưa không bị vỡ đập, nhưng năng suất bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi dây dưa bị thối, nhiễm bệnh”.
Với gần 1,4ha đất trồng dưa, mỗi năm gia đình bà Hiền thu lãi trên 100 triệu đồng từ vụ dưa tết. Còn năm nay, bà chỉ mong cứu được phần nào diện tích dưa còn lại với hy vọng hòa vốn.
Ông Mạc Ngọc Truyền – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, cho biết: Qua thống kê với 68ha trồng dưa trên địa bàn (trong đó có 21ha dưa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP) thì có 4ha bị mất trắng, 64ha còn lại bị thiệt hại từ 50% trở lên. Đồng thời, năng suất vụ dưa hấu tết năm nay sẽ giảm hơn so với cùng kỳ năm 2017 trên 50%.
Cũng theo ông Truyền, 2 trạm bơm của xã đã hoạt động hết công suất cùng người dân tháo nước trong các kênh nội đồng. Mặt khác, địa phương sẽ sát cánh cùng bà con nông dân khắc phục diện tích dưa còn lại, đồng thời xã sẽ rà soát thiệt hại để làm báo cáo trình lên UBND TP.Cà Mau có phương án hỗ trợ bà con.
Hơn 11.000ha lúa bị thiệt hại
Mưa bão cũng làm nhiều diện tích lúa ở Bạc Liêu bị ảnh hưởng. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, tổng thiệt hại về lúa là hơn 11.200ha (gồm có lúa – tôm, lúa thu đông và lúa đông xuân); thiệt hại về hoa màu gần 169ha.
Tại huyện Hòa Bình, vụ lúa thu đông năm 2018, toàn huyện có tổng diện tích xuống giống gần 11.000ha. Theo dự kiến, nếu điều kiện thuận lợi thì năng suất có thể đạt 6-6,5 tấn/ha, cao hơn từ 0,5-1 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm cho gần 2.600ha diện tích lúa chín chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ với mức độ thiệt hại 50-60%. Ngoài ra, mực nước ở các trục kênh lên cao, nên nông dân không thể tháo nước trên đồng để chống ngập úng và gây khó khăn cho việc thu hoạch.
Bên cạnh ảnh hưởng của thời tiết, hiện nay giá lúa trên thị trường liên tục sụt giảm, thương lái ít tìm đến thu mua nên gây nhiều khó khăn cho bà con nông dân.
Theo ông Đoàn Văn Đức (ngụ ấp Trung Hưng I, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi), vụ lúa năm nay gia đình xuống giống hơn 1ha lúa giống RVT, năng suất đạt hơn 6,5 tấn/ha. Khoảng hơn 2 tuần nay giá lúa trên 150.000 đồng/giạ (20kg), nhưng giờ chỉ còn 122.000 đồng/giạ, trừ các chi phí gia đình ông chỉ còn lãi hơn 15 triệu đồng/ha.
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã cử cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn giúp bà con nông dân khắc phục số diện tích bị thiệt hại. Đồng thời, mở các cống ngăn mặn để xả nước mưa cứu lúa. Bên cạnh đó, vận động bà con chủ động bơm tát, khơi thông bờ bao, xả nước để chống ngập úng cho số diện tích chưa đến ngày thu hoạch.
Theo MSN-Danviet
Las Vegas: Quỵt 35USD tiền công, khách lái xe tông chủ tiệm nail gốc Việt thiệt mạng
Xuất khẩu thủy sản 2019: Cá tra đang phong độ, tôm đối diện lượng tồn kho thế giới lớn
Vụ Quý bà được đón tại chân máy bay: Bộ trưởng Công Thương gửi thư xin lỗi