Từng đem lại lợi nhuận cao trong các dịp Tết Nguyên đán, nhưng thời điểm này, những loại trái cây mang hình dáng độc lạ như thỏi vàng, hồ lô… lại được người nông dân, nhà sản xuất khá e dè khi bước vào mùa vụ.
Ông Nguyễn Văn Trung (64 tuổi trú xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), một trong những người có nhiều năm sản xuất bưởi hồ lô dịp Tết chia sẻ, mấy năm trước làm bưởi hồ lô dịp Tết lãi lắm. Trái bưởi năm roi, bưởi da xanh bình thường bán 100 nghìn đồng/cặp nhưng khi tạo hình hồ lô thì giá lên tới 1,2 hoặc 1,5 triệu đồng/cặp, thậm chí có năm là 2 triệu đồng. Mỗi cây chỉ cần dăm cặp bưởi là người trồng đã đủ lời rồi, chưa cần bán những trái thường khác. “Như cách đây 4,5 năm thì mỗi dịp cuối năm vườn nhà tôi luôn thu hoạch khoảng 400 – 500 cặp bưởi hồ lô. Tuy nhiên từ khi dịch Covid -19 hoành hành tới nay, sản lượng đã rút xuống nhiều. Hai năm vừa rồi dịch bệnh quá không bán được. Năm nay tôi thấy thị trường chững lắm, mấy mối cũ còn chưa đặt tiền cọc trong khi mọi năm đã cọc từ lâu rồi” – ông Trung cho hay. Cũng theo ông Trung, gia đình ông có vườn bưởi hơn 300 trăm gốc, tuổi đời nhiều gốc lên đến 20 năm. Tuy nhiên sản xuất bưởi hồ lô thì ông mới thử nghiệm từ 6 năm trước sau khi được một người bạn chỉ phương pháp tạo hình, tạo dáng.
Chia sẻ thêm về cách tạo hình trái cây, ông Trung cho biết, kỹ thuật không quá khó nhưng tốn nhiều chi phí, chủ yếu là vỏ nhựa ép để trái cây phát triển theo đúng ý định. Ngoài ra, công sức chăm sóc và tỷ lệ trái đẹp, đều cặp cũng không được thành công 100%. Thường thì chỉ cần thương lái thu mua 70% số lượng trái tạo hình là nhà vườn cũng đã có cái Tết ấm rồi.
Cũng là một hộ chuyên tạo hình trái cây thành hình hồ lô độc đáo, anh Nguyễn Thanh Tâm (36 tuổi ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) có sản phẩm dừa hồ lô cũng rất hút khách. Có kinh nghiệm gần 10 năm tạo hình, anh Tâm cho biết dừa là loại trái cây thông dụng ở Bến Tre. Ngày Tết, giá dừa cũng không tăng nhiều nhưng nếu tạo hình đẹp và có thêm các chữ “tài, lộc, phúc, đức”… giá tăng gấp hàng chục lần. “Trước kia tôi chỉ tạo hình trái dừa hồ lô. Thường bán khoảng 150 tới 200 nghìn đồng/cặp nhưng sau đó tạo thêm các chữ nổi trên trái dừa thì giá cao hơn nữa. Năm nay tôi cũng có sản xuất dừa hồ lô tài lộc Tết tạo hình nhưng không nhiều như mọi năm vì nhu cầu thị trường đã giảm rõ nét. Tổng cộng cả vườn chỉ khoảng 400 trái. Chi phí cho sản xuất từ khuôn nhựa, dây buộc và công chăm sóc khá tốn kém. Nếu không bán hết thì cầm chắc lỗ” – anh Tâm cho biết.
Là thủ phủ của dưa hấu hoàng kim ở miền Tây Nam bộ, huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) có nhiều nông dân tạo hình thỏi vàng, hồ lô từ những trái dưa hấu, có giá lên đến vài triệu đồng/cặp. Trước kia hầu hết các ruộng trồng dưa hấu hoàng kim đều có tạo hình vì kỹ thuật khá dễ, chỉ cần mua khuôn sẵn, thay khuôn định kỳ là có thể tạo ra trái dưa đẹp, lạ. Tuy nhiên, sau thời gian dịch bệnh, nhiều nông dân đã không đầu tư sản xuất dưa độc lạ mà chỉ trồng dưa hoàng kim thông thường vì dễ bán hơn. Với vỏ ngoài màu vàng óng đẹp, dưa hoàng kim đã là đặc sản được nhiều người ưa chuộng dịp Tết.
Là đặc sản của nông dân miền Tây Nam bộ, sản xuất các trái cây hình dáng độc lạ phục vụ nhu cầu ngày Tết luôn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm nhà vườn. Từ những trái cây bình thường, qua bàn tay khéo léo của nông dân đã biến thành những sản phẩm độc đáo, có giá trị thẩm mỹ, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người dân dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay phong trào sản xuất trái cây độc lạ đang khá trầm lắng, nhiều nhà vườn chỉ dám sản xuất số lượng có hạn do dự báo nhu cầu không tăng.
Theo Báo Đại Đoàn Kết