Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Xuất siêu hơn 24 tỉ USD, ấn tượng bứt tốc của doanh nghiệp nội

Xuất siêu hơn 24 tỉ USD, ấn tượng bứt tốc của doanh nghiệp nội

11 tháng qua, Việt Nam xuất siêu 24,31 tỉ USD. Đáng chú ý, khối doanh nghiệp nội ghi nhận bứt tốc đáng kể khi tốc độ tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thông tin Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố ngày 6.12 cho thấy, 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỉ USD.

Dự kiến, cả năm 2024 lần đầu tiên xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ vượt 800 tỉ USD. ẢNH: NGỌC THẮNG

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ 11 tháng đạt 369,93 tỉ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỉ USD, tăng 20%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỉ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.

Có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 66,5%).

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch 11 tháng sơ bộ đạt 345,62 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỉ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219,57 tỉ USD, tăng 15,2%.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), trong bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa năm nay, tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nội cao hơn khu vực FDI là tín hiệu tích cực đáng chú ý nhất.

“Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội đã cải thiện. Thể chế trong nước hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn, đồng thời bản thân doanh nghiệp cũng chủ động đổi mới, tính năng động của doanh nghiệp tăng lên”, bà Thảo nói.

Nhìn nhận xuất khẩu của doanh nghiệp nội cải thiện là điều “rất phấn khởi” trong năm 2024, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), phân tích: tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nội cao hơn nhiều khu vực FDI là điều không thường xuyên xảy ra.

Đánh giá chung về xuất nhập khẩu, ông Phương cho biết, trước đây từng xảy ra tình trạng doanh nghiệp nội vươn lên trong vài năm, sau đó lại tụt xuống. Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại cần hết sức cố gắng nhằm duy trì, phát triển xu hướng cải thiện của khối doanh nghiệp nội, biến nó trở thành bền vững.

Nhiều yếu tố lạc quan 

Dự báo triển vọng xuất nhập khẩu 2025, bà Thảo cho rằng có những tín hiệu tích cực. Nhu cầu thế giới tăng lên giúp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu tốt hơn. Cạnh đó, năm tới có thể diễn ra những thay đổi về cục diện đầu tư, thu hút được nguồn đầu tư mới chuyển dịch từ các nước khác sang.

Dệt may là một trong những ngành hàng thu về kết quả khá tích cực trong 2024 với tổng trị giá xuất khẩu đạt 44 tỉ USD. ẢNH: ĐAN THANH

Bà Thảo nhấn mạnh các chính sách, quan hệ thương mại của Mỹ, đặc biệt là quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời ông Donald Trump có thể là cơ hội để Việt Nam thu hút chuyển dịch đầu tư, hướng tới thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Cạnh đó, bản thân doanh nghiệp xuất khẩu cũng có sự đa dạng về thị trường xuất khẩu, nhất là những doanh nghiệp lớn. Họ có định hướng, chuẩn bị để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường nhập khẩu.

Ông Phương cũng nhìn nhận năm 2025, tình hình kinh tế thế giới có khởi sắc hơn 2024 nên về cơ bản sẽ có thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Chính quyền mới của Mỹ do ông Donald Trump làm tổng thống có xu hướng sử dụng thuế quan rất mạnh mẽ với hàng hóa nhập vào Mỹ. Khi Mỹ đánh thuế cao với hàng hóa nhập khẩu từ các nước có thể là cơ hội cho Việt Nam nếu hàng Việt Nam thay thế được, xét ở các khía cạnh như có mặt hàng để thay thế, chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng được.

Theo Thanh niên.

Có thể bạn quan tâm