Tính đến 15/8/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đã đạt 473,33 tỷ USD. Nước ta đã xuất siêu 15,49 tỷ USD.
Cơ quan hải quan sử dụng máy soi container để cải cách công tác kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Ảnh: Văn Tá. |
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ nửa đầu tháng 8/2024 đạt 32,93 tỷ USD, giảm 11,4% (tương ứng giảm 4,24 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 68,58 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 321,04 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 42,73 tỷ USD).
Trong nửa đầu tháng 8/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 933 triệu USD. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2024, nước ta đã xuất siêu 15,49 tỷ USD.
Kết quả này một phần do sự phục hồi của kinh tế những tháng đầu năm 2024. Song phần nhiều cũng có sự nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại của cơ quan hải quan.
Tổng cục Hải quan đã triển khai công tác cải cách hành chính thông qua nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính phương án cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan; nâng tổng số đề xuất cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan giai đoạn 2020-2025 đạt 8%; chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cắt giảm đạt 10,2 tỷ đồng/năm.
Ở cấp Tổng cục Hải quan, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức chung 6 tháng đến 1 năm/lần, song song với các cuộc đối thoại riêng với các đối tượng doanh nghiệp khác nhau. |
Những kết quả đạt được đã giúp đơn vị giữ xếp hạng đầu trong số các đơn vị khối tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về Chỉ số cách hành chính; đồng thời góp phần tăng điểm số Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Tài chính nhiều năm liên tiếp.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan luôn yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nâng cao chất lượng đối thoại, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thậm chí “lượng hóa” nhiệm vụ hỗ trợ.
Ở góc độ địa phương, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã và đang triển khai nhiều sáng kiến đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan hải quan tổ chức các đoàn làm việc trực tiếp tại trụ sở các doanh nghiệp có đóng góp số thu lớn để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, cũng như lắng nghe đề xuất, giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ phía doanh nghiệp./.