Dự báo giá trị xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ đạt trên 4 tỷ USD. Tuy nhiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt với một loạt vấn đề về cạnh tranh thị trường, các biện pháp bảo hộ thông qua những hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn ở các thị trường nhập khẩu.
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu (XK) rau quả trong tháng 8 ước đạt 346 triệu USD, đưa kim ngạch XK rau quả 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 7 tháng đầu năm 2018, XK sang thị trường Trung Quốc vẫn đứng đầu với 74% thị phần, giá trị XK đạt 1,7 tỷ USD, tăng 12,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Có dấu hiệu chững lại
Các thị trường khác có giá trị XK rau quả tăng mạnh so với cùng kỳ là Thái Lan (tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2017), Mỹ (tăng 19,3%), Hàn Quốc (tăng 18,7%) và Malaysia (tăng 12,9%).
Về thị trường trong nước, giá rau củ tại Lâm Đồng (thủ phủ rau quả của Việt Nam) diễn biến tương đối ổn định và chỉ tăng nhẹ đối với một số loại so với tháng trước mặc dù thời tiết mưa nhiều diễn ra tại một số điểm cung ứng rau.
Cụ thể, bắp cải trắng và bắp cải tím tăng lên mức giá tương ứng là 3.500 đồng/kg và 12.000 đồng/kg; hành tây tăng 3.000 đồng/kg lên mức giá 10.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, một số mặt hàng do lệ thuộc thị trường Trung Quốc nên gặp khó khăn. Cụ thể, XK thanh long sang Trung Quốc chững lại do nước này mở rộng diện tích trồng thanh long.
Đặc biệt, theo Bộ NN&PTNT, dự báo giá trị XK rau quả năm nay sẽ đạt trên 4 tỷ USD, tuy nhiên XK rau quả của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại.
Doanh nghiệp (DN) hiện nay phải đối mặt với một loạt vấn đề về cạnh tranh thị trường, các biện pháp bảo hộ thông qua những hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn ở các thị trường nhập khẩu.
Ông Nguyễn Du, Giám đốc công ty TNHH Thương mại dịch vụ trái cây Thiên Nhiên, chia sẻ thị trường XK rau quả của Việt Nam còn nhiều dư địa nhưng do chất lượng hiện chưa được đảm bảo nên giá trị XK còn khiêm tốn.
“Nếu tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả vẫn như hiện nay, dù kim ngạch rau quả năm nay có đạt được 4 tỷ USD cũng không thể gọi là XK bền vững”, ông Du nhấn mạnh.
Theo ông Du, sở dĩ ngành rau quả chưa quan tâm lắm đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là do phần lớn nông dân và DN chỉ chú trọng vào thị trường Trung Quốc.
Trên thực tế, mỗi khi thị trường này cần thì không quan tâm tới chất lượng mà chỉ chú trọng số lượng và giá cả. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc rất bấp bênh, không đều đặn và ổn định.
“Buôn bán với thị trường Trung Quốc như đu dây, không biết rơi xuống lúc nào. Do vậy, nông sản Việt thường xuyên phải giải cứu”, ông Du chia sẻ.
Đẩy mạnh chế biến
Do đó, theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới, ngành rau quả cần đẩy mạnh việc phổ biến, tư vấn, đào tạo DN về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các thị trường nước ngoài, cùng với đó khắc phục các tồn tại trong vấn đề an toàn thực phẩm, quy cách bao gói, nhãn hiệu… đối với mặt hàng rau quả.
Để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm quản lý chất lượng từ đầu vào tới đầu ra.
Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hiện các yêu cầu về tem nhãn, bao bì, truy xuất nguồn gốc; thực hiện kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tại vùng sản xuất để giảm thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu.
Mặt khác, cần phải có giải pháp để đảm bảo chất lượng và nguồn cung rau quả. Trong các tháng cuối năm, XK rau quả có thể sẽ khó khăn hơn về nguồn cung bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão đang tới.
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, cũng cho rằng việc đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm trái cây là xu hướng mà Việt Nam cần hướng tới, bởi trái cây Việt Nam mang tính mùa vụ.
Năm 2017, Việt Nam mới XK rau củ quả đạt hơn 3,5 tỷ USD, trong khi tiêu thụ các mặt hàng này của thế giới có thể đạt tới giá trị hơn 317 tỷ USD vào năm 2021, nên dư địa phát triển cho ngành rau củ quả Việt Nam còn rất lớn.
Theo Langmoi.vn