Theo nhiều chuyên gia, việc đưa môn văn vào tổ hợp 3 môn để xét tuyển sinh ngành y là chuyện lạ chưa từng thấy. Một số kiến giải về việc đưa môn văn vào cho thấy có sự nhập nhằng về căn cứ tuyển sinh.
Bắt chước nhưng không đến nơi đến chốn…
Theo PGS Lê Đình Tùng (Phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội), qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ông nhận thấy dường như những trường tư đưa môn văn vào tổ hợp 3 môn để xét tuyển ĐH là muốn “học theo” cách tuyển sinh ngành y của các nước có nền đào tạo y khoa phát triển. Tuy nhiên, việc “học theo” này không đến đầu đến đũa, khiến cho căn cứ tuyển sinh y khoa bị lệch lạc, từ đó dẫn tới nguy cơ chất lượng đào tạo không đảm bảo. “Lâu nay các trường y khoa của các nước nói tiếng Anh thường sử dụng kết quả kỳ thi UCAT (University Clinical Aptitude Test) và BMAT (Biomedical Admission Test), MCAT (Medical College Admission Test) để tuyển sinh. Trong các kỳ thi này thường có một bài thi bắt buộc về ngôn ngữ. Căn cứ để đưa ra bài thi này là yêu cầu bác sĩ phải có khả năng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, cho nên yêu cầu phải có khả năng sử dụng tốt ít nhất một ngôn ngữ (cả nói và viết). Để đánh giá tiêu chí này thì cần phải thiết kế một bài thi riêng phù hợp với đòi hỏi của ngành y, chứ không phải chỉ là điểm văn. Vì thực tế kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay điểm văn không phải là thước đo cho sự thông minh ngôn ngữ, cũng không khẳng định thí sinh có làm chủ được trong việc sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt) hay không”, ông nói.
PGS Tùng cũng nhấn mạnh, đánh giá tư duy ngôn ngữ chỉ là 1 trong 4 yêu cầu trong các kỳ thi vào các trường y khoa. Còn 3 yếu tố rất quan trọng khác, nếu đã “học theo”, thì phải theo cho trọn, gồm: tư duy định lượng (thông thường là dùng toán học để làm thước đo, một số trường đánh giá qua bài thi tư duy logic và xem toán là thước đo đáng tin cậy); kiến thức khoa học tự nhiên bao gồm hóa, sinh, lý sinh (chứ không chỉ là vật lý đơn thuần); năng lực đưa ra quyết định.
Chọn sai sẽ lãng phí cho người học, xã hội
TS Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường ĐH Y Hà Nội, nêu quan điểm gần như tất cả trường y ở các nước lớn đều yêu cầu thi đầu vào, vì đây là một yếu tố rất quan trọng trong quy trình đào tạo ngành y. Việc này nhằm để các trường lựa chọn được những sinh viên tốt nhất và sinh viên lựa chọn được trường phù hợp nhất.
TS Đạt giải thích: “Chương trình học y khoa là chương trình học tốn kém, kéo dài. Chẳng hạn như ở Mỹ, một chương trình đào tạo một SV y khoa có thể tiêu tốn đến 500.000 USD. Không lọc bớt thí sinh không phù hợp từ ban đầu thì dẫn tới sự lãng phí rất lớn. Nếu lựa chọn đúng, thí sinh phù hợp thì tiết kiệm được nguồn lực của gia đình, của xã hội. Các ngành khác SV học xong có thể làm trái ngành, nhưng không có bất kỳ ai học ngành khác rồi lại đi làm ở ngành y (vì không thể làm được), và cũng rất ít trường hợp học y xong rồi đi làm ngành khác. Do đó việc thi đầu vào cần phải làm cẩn thận chủ yếu do chi phí đào tạo quá lớn và thời gian đào tạo quá dài, quá phức tạp”.
Cũng theo TS Đạt, ngoài việc đánh giá kiến thức khoa học và khả năng áp dụng, các bài thi đầu vào chủ yếu đánh giá năng lực tâm thần và hành vi có liên quan đến nghề nghiệp, khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề về mặt số học, khả năng ra quyết định, đánh giá tình huống, cũng như khả năng lập luận trên góc độ khoa học xã hội nhân văn và cả tự nhiên.
Cần thiết kế một bài thi năng lực cho ngành y
PGS Lê Đình Tùng cho rằng ở VN, vì chưa tổ chức riêng được kỳ thi đánh giá năng lực cho tuyển sinh ngành y, nên các trường vẫn phải sử dụng tổ hợp 3 môn thi, mà thước đo chủ yếu là kiến thức toán và các môn khoa học tự nhiên, trong đó môn sinh là môn cốt lõi. “Nếu chỉ dựa vào tổ hợp 3 môn thi thì tổ hợp toán, hóa, sinh là yêu cầu thiết thực nhất với tuyển sinh ngành y”, PGS Tùng nêu ý kiến.
Trên phương diện quan điểm cá nhân, TS Vũ Quốc Đạt không phản đối việc đưa các môn như văn hay ngoại ngữ, tin học, thậm chí là cả thể dục vào xét tuyển ngành y. Nhưng quan trọng là cần thiết kế một bài thi năng lực. Các yếu tố khác không thay thế được cho bài này. “Nếu vì cho rằng chưa có bài thi đánh giá năng lực mà các tổ hợp truyền thống xét tuyển ngành y không có khả năng phân loại thí sinh, phải dùng thêm điểm môn văn như một tiêu chí, thì không thuyết phục. Bởi nếu bảo văn cần cho bác sĩ, nên phải đưa vào xét tuyển sinh, thì tương tự, chúng ta cũng cần phải khẳng định thể dục, ngoại ngữ, âm nhạc, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật… đều cần cho bác sĩ”, TS Đạt nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế cần sớm có ý kiến
Theo TS Lê Đông Phương, chuyên gia độc lập nghiên cứu giáo dục ĐH, để tuyển sinh đầu vào ngành y, tại Mỹ có kỳ thi MCAT. Đây là bài thi dành cho các ứng viên (đã có bằng tiền y khoa premed) nộp đơn vào các trường y khoa tại Mỹ, Canada, Úc. Bài thi này do Hiệp hội các trường y khoa Mỹ – AAMC (Association of American Medical Colleges) xây dựng và quản lý. MCAT được xem như một công cụ dự đoán thành công của các ứng viên thạc sĩ y khoa dành cho các ban tuyển sinh.
Bài thi MCAT bao gồm lý luận, sinh học, vật lý, hóa học đại cương và hữu cơ, hóa sinh, tâm lý học và xã hội học. Một bài thi MCAT có 4 điểm thành phần: cơ sở sinh học và sinh hóa của các hệ thống sống; cơ sở hóa học và vật lý của hệ thống sinh học; cơ sở tâm lý, xã hội và sinh học của hành vi; kỹ năng phân tích và suy luận.
Ở VN, vì chưa có kỳ thi riêng cho tuyển sinh ngành y, nên các trường vẫn chủ yếu dùng tổ hợp toán, hóa, sinh để xét tuyển. Trong tương quan sử dụng kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh thì đây là tổ hợp môn được xem có tính hợp lý nhất định trong tuyển sinh y khoa. Nó giúp các trường y chọn được thí sinh có sở trường kiến thức phù hợp để đào tạo. Cho nên việc một số trường ĐH tư thục xét tuyển đầu vào ngành y khoa bằng điểm thi môn văn đang làm xã hội vô cùng băn khoăn. “Hy vọng Bộ GD-ĐT cũng như Bộ Y tế sớm có phản hồi về việc tuyển sinh ĐH y khoa bằng môn văn để xã hội có thể yên tâm với chất lượng nhân lực ngành y”, TS Phương nói.
Thi vào ngành y khoa ở ÝTheo anh Lý Dật Thụ, SV đang theo học ngành y khoa, ĐH Roma (Ý), kỳ thi vào ngành y khoa của Ý là một kỳ thi mang tầm quốc gia và quốc tế, kỳ thi IMAT (International Medical Admission Test). Kỳ thi do bên thứ 3 tổ chức là Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge ra đề, tổ chức trên lãnh thổ Ý và rải rác các hội đồng thi trên khắp thế giới (những hội đồng thi gần VN nhất là Trung Quốc: Bắc Kinh, Hồng Kông và New Delhi – Ấn Độ). Thí sinh dự thi sẽ làm bài thi các môn toán, lý, hóa, sinh (kiến thức phổ thông giống như học sinh ở VN vẫn được học); bài thi về các môn giải phẫu, sinh lý, mô phôi (là kiến thức của những năm đầu các môn cơ sở của trường y ở VN)… Phần khó nhất đối với sinh viên VN là môn tư duy phản biện và kiến thức văn hóa lịch sử xã hội thế giới, do học sinh (và sinh viên ĐH) VN không được học, phạm vi nội dung được hỏi cũng rất rộng. Kỳ thi mỗi năm diễn ra 1 lần vào nửa đầu tháng 9 hằng năm. Thí sinh đã tốt nghiệp THTP hay tốt nghiệp ĐH đều có thể đăng ký dự thi (bản thân anh Thụ khi dự thi đang học năm 4 tại Trường ĐH Y dược TP.HCM). Tháng 10 có kết quả, nếu đỗ nhập học vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. |
Theo Báo Thanh Niên