Dù Đắk Lắk đề xuất xây tượng đài Hùng Vương cho cả vùng Tây Nguyên, song đến nay Lâm Đồng vẫn muốn xây thêm tượng đài ở tỉnh này. Việc này vẫn đang phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương. Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng không cần thiết phải xây thêm tượng đài ở Lâm Đồng.
Chi 70 tỷ đồng xây tượng đài cao 51m
Theo đề xuất của Cty CP Dịch vụ Du lịch Đà Lạt, tượng đài Quốc tổ Hùng Vương sẽ được xây dựng trên đồi Phượng Hoàng trong khu du lịch thác Prenn (thuộc địa bàn phường 3, TP Đà Lạt và xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) với số tiền đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Dự kiến, tượng cao 51m (đế tượng 12m và thân tượng 39m), phần đế tượng rộng hơn 650m2. Về giải pháp kiến trúc đối với tổng thể tượng: sử dụng mô típ trên mặt trống đồng để khắc họa đường nét kiến trúc cho phần đế, vừa tôn vinh nét truyền thống của dân tộc mà vẫn mang tính hiện đại của hậu thế.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý chủ trương cho doanh nghiệp này lập hồ sơ đầu tư xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương tại khu du lịch thác Prenn; đồng thời giao cho các sở ngành liên quan báo cáo, đề xuất các vấn đề liên quan đến việc đầu tư, xây dựng tượng. Theo Sở Xây dựng, việc đầu tư xây dựng tượng đài phù hợp các quy định. Tuy nhiên, tượng đài Quốc tổ Hùng Vương là hình tượng có ảnh hưởng lớn đến lịch sử, văn hóa dân tộc, liên quan đến các yếu tố tác quyền và bản quyền tác giả…. Do đó, theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, trước khi hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo, phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL về hình thức kiến trúc công trình.
Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cũng đã ký văn bản hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương. Theo đó, phải thành lập Hội đồng nghệ thuật để xây dựng công trình tượng đài, xin ý kiến Bộ VH-TT&DL thông qua Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trước khi gửi UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, phê duyệt. Sau đó, tổ chức sáng tác mẫu phác thảo tượng đài để Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn… “Hiện Cty CP Dịch vụ Du lịch Đà Lạt dự kiến xin mẫu tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ” một lãnh đạo của Sở VH-TT&DL Lâm Đồng vừa cho biết.
Tránh xung đột văn hóa Tây Nguyên
Về quy mô công trình, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho rằng diện tích chiếm đất của tượng hơn 650m2 chưa phù hợp với diện tích theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu du lịch thác Prenn được duyệt (tối đa 226,69m2/1 tượng). Chiều cao tượng 51m cũng thuộc trường hợp phải lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị gồm Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Cảng Hàng không Liên Khương về quản lý độ cao, chướng ngại vật hàng không…
Đối với vị trí công trình, Sở VH-TT&DL xác định vị trí dự kiến xây dựng tượng Quốc tổ Hùng Vương thuộc phạm vi ranh giới khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích thắng cảnh quốc gia thác Prenn. Trong khi đó, Sở Xây dựng Lâm Đồng lại cho rằng, vị trí đề xuất đặt tượng đài không thuộc khu vực bảo vệ I, II của danh lam thắng cảnh. Do đó, việc đề xuất vị trí đặt tượng là phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết được duyệt và quy định của Luật Di Sản.
Ngày 29/3, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở VH-TT&DL căn cứ các quy định pháp luật hiện hành (Luật Di sản và các quy định về xây dựng tượng đài), nghiên cứu ý kiến của Sở Xây dựng Lâm Đồng để tham mưu, đề xuất tỉnh xin ý kiến thỏa thuận với Bộ VH-TT&DL về việc xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương sao cho đúng quy định pháp luật.
Tại Tây Nguyên, trước đó, tỉnh Đắk Lắk muốn xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng này tại đồi Cư Mblim (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột và xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin). Khu vực này có đông đồng bào Êđê sinh sống, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào bản địa. Hiện tỉnh Đắk Lắk vẫn đang phải xin ý kiến các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan và tiếp thu, giải trình, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng theo đúng quy định.
Bà Linh Nga Niê Kdam (TP Buôn Ma Thuột) -nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho hay, bà đã phản đối việc Đắk Lắk đề xuất vị trí xây dựng đền thờ ở khu đồi Cư Mblim. “Đắk Lắk còn 21.000ha đất chưa sử dụng, sao không xây dựng đền thờ vua Hùng ở những khu vực này để vừa thu hút khách du lịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tránh xung đột văn hóa?”, bà Linh Nga Niê Kdam bày tỏ.
Nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng, đồng ý việc xây tượng đài dùng nguốn vốn xã hội hóa, chủ yếu từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Tây Nguyên vùng đất nào cũng có huyền thoại, truyền thuyết. “Thác Prenn hay thác nào ở Lâm Đồng cũng vậy, có truyền thuyết, huyền thoại riêng của nơi đấy. Doanh nghiệp có tiền thì có thể giúp đỡ đồng bào dân tộc nghèo khổ vùng sâu, vùng xa của Lâm Đồng bằng nhiều cách khác thiết thực hơn”, bà Linh Nga Niê Kdam nhấn mạnh.
Theo bà Linh Nga Niê Kdam, từ văn minh nương rẫy mới phát triển lên văn hóa cồng chiêng ở Tây Nguyên, hay hát Then, đàn Tính, xoè Thái ở Tây Bắc. “Không gian văn hóa Tây Nguyên không chỉ có cồng chiêng mà rộng hơn là không gian của núi rừng, là địa văn hóa, không phải chỉ là truyền thống nữa. Cần thận trọng, tránh xâm phạm địa văn hóa, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, bà Linh Nga Niê Kdam nêu ý kiến.
Theo Báo Tiền Phong