Về trang chủ Xã hội Pháp luật Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn đất nước và đón kịp xu thế thời đại

Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn đất nước và đón kịp xu thế thời đại

Toàn cảnh Hội nghị.
Ngày 25/10, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị quán triệt những định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Bí thư đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Xây dựng pháp luật, thể chế phải tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phổ biến, quán triệt những tư tưởng, định hướng mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài phát biểu trong thời gian gần đây về công tác pháp luật. Theo đó, chỉ xét riêng lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật hoặc trực tiếp liên quan tới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, có thể thấy những tư tưởng mới cơ bản như sau.

Cụ thể, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra bối cảnh, tình hình mới của đất nước đó là: “Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” đồng thời đề cập khá nhiều về điểm nghẽn thể chế cả trong xây dựng và thi hành pháp luật: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Đồng chí Tổng Bí thư cũng lưu ý: “thể chế không phù hợp có thể gây ra những khúc quanh đối với sự phát triển của đất nước”.

Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phổ biến, quán triệt những tư tưởng, định hướng mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Trong bài “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư nhận diện: Hệ thống pháp luật còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, chậm được bổ sung, sửa đổi, thay thế. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong Nhân dân. …; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, “đổ lỗi” cho hệ thống pháp luật để không thực hiện chức trách, nhiệm vụ vẫn còn tồn tại ở một số bộ, ngành, địa phương”.

Trong bài về “Chống lãng phí”, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực…”.

Thứ trưởng nhận định những đánh giá về điểm nghẽn pháp luật và thi hành pháp luật trên đây của đồng chí Tổng Bí thư là hết sức sâu sắc, đòi hỏi cần nghiên cứu, quán triệt, nhận thức một cách sâu sắc để liên hệ với thực tiễn công tác, tìm giải pháp khắc phục cụ thể.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, đã đến lúc phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật có phần thiên về “quản lý” hiện nay sang quản lý để tạo không gian phát triển lành mạnh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Bí thư đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Để thực hiện việc chuyển đổi tư duy này, đòi hỏi “công tác xây dựng pháp luật phải đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để định ra pháp luật phù hợp cho tiến trình cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới”; “mọi chủ trương, chính sách, quy định pháp luật phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Về hoàn thiện và xây dựng pháp luật, cần tập trung tinh gọn bộ máy nhà nước theo hướng “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đồng thời “đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm…”; tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.

Thứ trưởng cũng lưu ý trong các bài viết và bài phát biểu về pháp luật gần đây của Tổng Bí thư đều nhấn mạnh kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Ngoài ra, các đại biểu đã được nghe Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc quán triệt Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là quan điểm xuyên suốt

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định những quan điểm, định hướng, phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư về xây dựng thể chế nói chung, xây dựng pháp luật nói riêng trong thời gian gần đây đã trở thành lời hiệu triệu, có sức lan toả rất lớn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Những quan điểm, định hướng đó đều mang tầm nhìn chiến lược, hướng tới giải quyết bài toán thực tiễn của đất nước với cách tiếp cận thực tế, gắn với xu thế tiến bộ của thời đại.

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu chỉ đạo.

Bộ trưởng cũng điểm lại một số định hướng, chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư, trong đó nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là phải đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật; xây dựng pháp luật nói riêng và thể chế nói chung phải góp phần phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Pháp luật trong kỷ nguyên mới phải tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay; giải phóng nguồn lực và huy động nguồn lực trong Nhân dân, bên ngoài Nhân dân và đón kịp xu thế thời đại. Công tác xây dựng pháp luật phải đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam, phải gắn với hoàn thiện thể chế, tinh giản bộ máy và kiểm soát quyền lực. Tăng cường chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật.

“Những quan điểm, định hướng nêu trên sẽ tạo ra không ít thách thức, áp lực cho Bộ, ngành Tư pháp trong công tác tham mưu hoàn thiện pháp luật, thể chế song cũng là cơ hội lớn để chúng ta khẳng định và nâng cao vị thế vì mục tiêu phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí Bí thư cấp uỷ, Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu kỹ những tư tưởng, quan điểm, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và quán triệt tới từng cán bộ, công chức của đơn vị; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu đi đầu, đổi mới phương thức điều hành lãnh đạo, lấy sản phẩm làm thước đo đánh giá cán bộ.

Các đơn vị cần tiến hành rà soát công việc để xác định và đầu tư nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giảm tải một số công việc chưa cần thiết. Trong mỗi hoạt động từ thẩm định, soạn thảo văn bản, phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý hành chính tư pháp, đào tạo bồi dưỡng… cần có quan điểm, định hướng rõ ràng, “linh hoạt nhưng phải trong nguyên tắc”, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Có thể bạn quan tâm