Tôi nhớ vào khoảng năm 2017, khi có một trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản và khi ấy con tôi cũng đang chuẩn bị tiêm phòng. Thời điểm ấy có một làn sóng “nói không với vắc xin”.
Ngày xưa có ai tiêm vắc xin đâu?
Tại thời điểm ấy, những người thân trong gia đình tôi khi nghe thông tin có trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin (chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí) đều rất hoang mang. Mẹ tôi nói: “Ngày xưa có ai tiêm vắc xin đâu mà cũng chẳng có sao”, và ngăn cản việc tôi tiêm vắc xin cho con.
Thời điểm đó cũng có rất nhiều hội nhóm lập trên mạng xã hội với tên gọi “nói không với vắc xin“. Nhiều người nói không cần tiêm vắc xin, hãy để hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ hoạt động…
Thậm chí lúc ấy có hàng ngàn thành viên, hàng trăm bài viết trên các hội nhóm này nói về tác dụng phụ khi tiêm vắc xin cho trẻ. Khi đọc hết những thông tin ấy, ban đầu tôi cũng rơi vào hoang mang và không biết có nên tiêm vắc xin cho con nữa hay không?
Nhưng là một người mẹ cần phải quyết định khi lựa chọn những điều tốt nhất cho con mình, tôi tiếp tục đọc thêm nhiều tài liệu về vắc xin và cả những tài liệu về biến chứng của viêm não Nhật Bản, về những căn bệnh đã có vắc xin phòng.
Trong đó, tôi cũng đọc được tin tức về số trẻ mắc viêm não Nhật Bản có tới 80% chưa tiêm vắc xin phòng ngừa. Có lẽ con số 80% trẻ mắc bệnh chưa tiêm vắc xin đã khiến tôi quyết định đi ngược lại “số đông” trong gia đình để đưa con đi tiêm phòng đúng lịch.
Vượt qua làn sóng tẩy chay vắc xin
Bởi làn sóng tẩy chay vắc xin quá mạnh mẽ khiến những người xung quanh tôi e ngại, và bản thân tôi cũng vậy. Nhưng cũng chính bởi nó liên quan đến sức khỏe của con trẻ mà tôi đã dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu thông tin về vấn đề này.
Tôi được biết khi cho ra đời một loại vắc xin, không phải là trong một thời gian ngắn. Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ấy đã mất rất nhiều thời gian và đã có thử nghiệm lâm sàng.
Trong khi đó, vắc xin viêm não Nhật Bản lại được Chính phủ đưa vào tiêm chủng miễn phí từ rất sớm. Điều ấy có nghĩa đó là loại vắc xin cần thiết cho trẻ, đặc biệt ở nơi vẫn còn dịch.
Trong số tài liệu tôi đọc được, năm 2014 đã có hàng chục trẻ em đã tử vong do bệnh sởi và tất cả đều không được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Tôi nghĩ đúng, trước kia hay ngày xưa, ở thời cha mẹ chúng ta không được tiêm vắc xin vẫn có người khỏe mạnh. Nhưng cũng có những đứa trẻ mắc những bệnh tưởng chừng bình thường, chỉ một cơn sốt, một vài nốt thủy đậu cũng tử vong.
Lúc ấy, tôi đặt câu hỏi cho chính bản thân mình: “Tôi sẽ lựa chọn việc đi theo làn sóng nói không với vắc xin hay chuẩn bị tốt nhất cho con để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật?”. Và tôi đã chọn tin tưởng vào y học, vào những công trình nghiên cứu về vắc xin phòng bệnh.
Lúc ấy, tôi đã nói chuyện với chồng mình và cả hai đã quyết định đưa con đi tiêm phòng đúng lịch.
Điều đầu tiên khi tôi đến điểm tiêm là hỏi bác sĩ về các phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin, cách làm giảm các triệu chứng, biểu hiện ra sao thì tôi cần đưa con đến cơ sở y tế.
Thay vì lo lắng về những tác dụng phụ ấy, tôi có thể chuẩn bị những kiến thức đầy đủ nhất để xử lý các tình huống nếu không may xảy ra.
Và tôi đã “hoàn thành” những mũi tiêm đầu đời cho con một cách an toàn. Cho đến tận bây giờ, mỗi năm tôi vẫn cùng gia đình tiêm vắc-xin phòng cúm. Tôi dự định khi con gái đủ tuổi tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung tôi cũng sẽ đưa con gái đi tiêm.
Chúng ta đang được thụ hưởng những tiến bộ của y học phát triển, không có lý do gì để chúng ta từ chối nó.
Theo Báo Tuổi Trẻ