Phát biểu khai mạc Diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế biển Việt Nam – Nhật Bản, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam – Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh: “Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của đại dương, việc “Vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng cho tất cả các quốc gia có biển”…
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản từ 20 đến 25/10 của đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam dẫn đầu, sáng 21/10, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), đã diễn ra Diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế biển Việt Nam – Nhật Bản 2024. Tại đây, hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế biển Việt Nam – Nhật Bản là một hoạt động quan trọng nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chính sách biển và đại dương giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Văn phòng Nội các Nhật Bản, được ký kết ngày 8/10/2018.
Diễn đàn năm nay được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và ông Takasugi Norihiro – Tổng thư ký Ban Thư ký Chính sách Đại dương, Văn phòng Nội các Nhật Bản. Đây là dịp để Việt Nam và Nhật Bản tái khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, trao đổi thông tin, đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề hiện nay và thúc đẩy các hoạt động hợp tác tiếp theo một cách hiệu quả, qua đó đưa chính sách, công nghệ, giải pháp của Nhật Bản góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.
Tại Diễn đàn, hai bên tập trung vào một số vấn đề như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến biển và đại dương, cụ thể là quản lý tổng hợp vùng bờ; thu hẹp, lấp đầy các khoảng trống pháp lý và kỹ thuật để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi; thúc đẩy các giải pháp bảo vệ môi trường biển; giới thiệu các công nghệ mới trong quản lý, khai thác tài nguyên biển…
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đồng thời đang triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, các kinh nghiệm của Nhật Bản trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ; quản lý rác thải nhựa đại dương; ngăn ngừa ô nhiễm do tràn dầu; đánh giá tiềm năng điện gió ngoài khơi và quyền sử dụng khu vực biển; điều tra, khảo sát tài nguyên môi trường biển ven bờ và biển sâu được coi là những thông tin bổ ích cho công tác quản lý biển và hải đảo ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh: “Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của đại dương, việc “Vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng cho tất cả các quốc gia có biển. Việc trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm của Nhật Bản về chính sách, chiến lược biển có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn đối với Việt Nam hiện nay”.
Được biết, sau Diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế biển Việt Nam – Nhật Bản 2024, đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành nhiều hoạt động như: Đi thăm Trung tâm Phòng ngừa sự cố trên biển thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tại Yokohama, thăm cơ sở xử lý rác nhựa Kanagawa, khảo sát thực địa tại trang trại điện gió ven bờ của Nhật Bản tại Kanagawa, trao đổi với Nhóm Năng lượng sạch, Viện Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ) nhằm tiếp cận các công nghệ mới và cách thức quản lý, kinh nghiệm của Nhật Bản trong các lĩnh vực nêu trên.