Về trang chủ Chưa được phân loại Vụ BMW đâm liên hoàn: Nữ tài xế vừa say xỉn lại không có bằng lái

Vụ BMW đâm liên hoàn: Nữ tài xế vừa say xỉn lại không có bằng lái

Với hàng loạt tình tiết tăng nặng như không có giấy phép lái xe, lái xe sau khi uống rượu, tai nạn làm chết người…bị cáo Nguyễn Thị Nga đang phải đối diện với mức án cao nhất là 10 năm tù. Sáng nay 17-6-2019, TAND quận Bình Thạnh-TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ quận 12) về tội ‘vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ’.

Bị cáo Nga là người lái xe BMW tông hàng loạt xe máy ở ngã tư Hàng Xanh hồi tháng 10-2018. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Nga bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ”, theo các điểm a, b, e khoản 2 điều 260 Bộ luật hình sự.

Theo đó, bị cáo Nga điều khiển xe không có giấy phép lái xe, lái xe trong tình trạng sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định; gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỉ lệ tổn hại của những người này từ 122-200%.

Bị cáo Nga điều khiển xe không có giấy phép lái xe, lái xe trong tình trạng sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định

Mức án cao nhất mà bị cáo Nga đang phải đối diện là 10 năm tù. Phiên tòa thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ 7h sáng, nhiều phóng viên đã có mặt tại trụ sở TAND quận Bình Thạnh để đăng ký tham dự. Trao đổi với Tuổi Trẻ, thẩm phán Phạm Tuấn Anh (Phó chánh án TAND quận Bình Thạnh, chủ tọa phiên tòa) cho biết trước khi phiên xét xử diễn ra, tòa án đã ra lệnh bắt tạm giam bị cáo Nga để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án.

“Hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, với khung hình phạt tù cao. Vì vậy việc bắt tạm giam bị cáo để để đảm bảo việc xét xử và thi hành án là điều cần thiết” -thẩm phán Tuấn Anh cho biết. Trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình nạn nhân cũng đã có đơn bãi nại cho bị cáo. Trong đơn, gia đình đã xin cho bà Nga không phải đi tù để có điều kiện ở ngoài kiếm tiền, khắc phục hậu quả.

Theo cáo trạng, khoảng 23h ngày 21-10-2018, sau khi dự một buổi tiệc, bà Nga lái ôtô biển số 51F-279.10 lưu thông trên đường Điện Biên Phủ. Khi đến vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) thì xe của bà Nga đụng vào xe máy do anh Hồ Hữu Định điều khiển chở theo vợ là chị Nguyễn Thị Kim Phụng.

Bị cáo Nguyễn Thị Nga nghe thẩm phán chủ tọa đọc quyết định xét xử.

Tiếp đó, xe bà Nga tông vào 4 xe máy do anh Nguyễn Trần Ngọc Giàu, Ngô Chí Bảo chở theo em trai là Ngô Hoàng Phúc, Phan Huy Bình, Cao Tấn Tài điều khiển đang dừng chờ đèn đỏ. Sau đó, xe của bà Nga tiếp tục lao vào vòng xoay và đụng vào xe taxi Vinasun do anh Đoàn Anh Tuấn điều khiển.

Tai nạn làm chị Nguyễn Thị Kim Phụng chết tại chỗ, anh Bảo, anh Phúc và anh Giàu bị thương nhẹ và đi cấp cứu, xuất viện trong ngày; anh Phan Huy Bình bị gãy xương đùi, anh Hồ Hữu Định bị chấn thương sọ não và tháo khớp ngón chân, anh Cao Tấn Tài bị chấn thương sọ não.

Mặc dù bị tai nạn thương tâm nhưng 5 bị hại trong vụ án đã từ chối giám định thương tật. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Nga khai tối 21-10-2018 sau khi làm việc xong, Nga trực tiếp điều khiển ôtô về nhà. Khi đến ngã tư Hàng Xanh thì thì bị cáo thấy đèn đỏ nên thắng xe dừng lại. Tuy nhiên do chuyển qua chân phanh thì mặt đế giày cao gót vướng vào chân ga làm tăng ga nên đụng vào các xe máy đang chờ đèn đỏ trên đường.

Phiếu đo nồng đô cồn của CSGT quận Bình Thạnh cho thấy khi xảy ra tai nạn, nồng độ cồn của bị cáo Nga là 0,94 miligam/lít khí thở. Cơ quan điều tra xác định nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn là do Nguyễn Thị Nga không có giấy phép lái xe theo quy định, nồng độ còn vượt quá mức quy định, điều khiển ôtô thao tác không đúng kỹ thuật để xe đâm vào các xe máy và taxi Vinasun.

Bị cáo Nguyễn Thị Nga trả lời câu hỏi của thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, đại diện của bị cáo Nga đã bồi thường cho các bị hại tổng cộng gần 500 triệu đồng. Các bị hại và chủ xe đều có đơn bãi nại cho bị cáo.

Ngoài nạn nhân Nguyễn Thị Kim Phụng đã chết, chồng chị Phụng là anh Hồ Hữu Định bị tỉ lệ tổn thương cơ thể là 87%; anh Cao Tấn Tài bị tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 65%. 5 nạn nhân khác đã từ chối giám định do thương tích nhẹ.

Sau khi đại diện VKS công bố bản cáo trạng, hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi bị cáo Nga. Trả lời tòa bằng giọng nhỏ nhẹ, bị cáo Nga cho biết hôm xảy ra tai nạn, bị cáo vừa đi sinh nhật bố nuôi về. Khi lái xe, do đi giày cao gót nên gót giày vướng vào chân ga thay vì đạp chân thắng. Bị cáo Nga cũng thừa nhận đã uống rượu tại buổi tiệc trước khi lái xe.

Vị chủ tọa giải thích: Theo luật, pháp luật cấm uống rượu bia trước khi lái xe kèm các chế tài rất nặng. Do đó, không thể nói như bị cáo là “uống rượu nên không bình tĩnh được”. Bị cáo Nga cũng thừa nhận việc không có giấy phép lái xe mà điều khiển xe là sai. Bị cáo vẫn đang học để xin giấy phép lái xe và chưa được cấp bằng.

Ông Nguyễn Văn Minh -bố nạn nhân Nguyễn Thị Kim Phụng, tại phiên toà.

Xe BMW biển số 51F-279.10 là xe của công ty, có tài xê riêng nhưng hôm xảy ra tai nạn, tài xế bận nên bị cáo tự lái dù không có giấy phép. Sau vụ tai nạn, ngày 24-10-2018, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Nga để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Sau một thời gian bị tạm giam để phục vụ điều tra, bị cáo Nga được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên trước khi phiên tòa diễn ra, tòa án đã có lệnh bắt tạm giam bị cáo Nguyễn Thị Nga.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy -nguyên Phó chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho biết trên Nguoiduatin: “Trong quá trình tại ngoại để chờ ngày xét xử, bị can phải chấp hành lệnh của các cơ quan tư pháp. Nếu tòa đưa vụ án ra xét xử mà không liên lạc được với bị can, bị can thay đổi địa chỉ cư trú thì tòa sẽ ra quyết định tạm giam bị can.

Theo bị cáo Nga, đôi giày cao gót là nguyên nhân làm xe bị mất lái gây tai nạn. Tuy nhiên, đó chỉ là giọt nước làm tràn ly khi bà Nga không có bằng lái, lại say xỉn khi nồng độ cồn lên đến 0,94mg/lít khí thở.

Bên cạnh đó, tòa còn căn cứ vào nhân thân hoặc xét thấy không đáp ứng được việc xét xử, khung hình phạt không thể cho hưởng án treo thì có thể ra quyết định tạm giam. Nhưng thông thường tòa nhận thấy không đáp ứng được việc xét xử, thi hành án khó khăn thì sẽ ra quyết định tạm giam bị can”.

Thông tin trên báo Thanh Niên, sau khi gây tai nạn, bà Nga bị tạm giam để điều tra. Đến tháng 2/2019, cơ quan tiến hành tố tụng tại Q.Bình Thạnh đã thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú, đồng thời có lệnh cấm xuất cảnh đối với bà Nga.

Theo cơ quan tiến hành tố tụng, bà Nga được tại ngoại vì có nơi cư trú rõ ràng, được sự bảo lãnh của gia đình, có 7 người bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can; đồng thời bà Nga tích cực bồi thường cho người bị hại nên không cần thiết phải tạm giam.
Hoàng Hạc

Vụ BMW đâm liên hoàn: Vì sao nữ tài xế bị bắt giam trở lại ?

Hà Nội: Vợ dùng súng bắn chồng lãnh mức án 7 năm tù

Có thể bạn quan tâm