Ngày 21/8/2018, Tập đoàn Vingroup đã chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT): Viện Công nghệ đa ngành chuyên về nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ cao thuộc các lĩnh vực năng lượng mới; vật liệu mới; công nghệ sinh học, môi trường; cơ điện tử và các công nghệ liên quan đến công nghệ-công nghiệp cao. Viện trưởng được chọn là một chuyên gia hàng đầu về vật lý plasma, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ – người từng được Tổng thống Putin tặng thưởng. Vậy plasma là gì ?
Theo các nhà khoa học, công nghệ plasma ứng dụng rất rộng trong đời sống, được xem là công nghệ của tương lai. Quầng khí xung quanh mặt trời có plasma, và chất lỏng nằm trong lõi quả đất nóng khoảng 2.000 độ C có chứa plasma. Người ta phát hiện ra phasma từ lâu nhưng ứng dụng chỉ khoảng vài chục năm trở lại đây. Mất 100 năm người ta mới nghĩ ra các ứng dụng của trạng thái plasma.
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ – Cần áp dụng công nghệ xử lý rác thải bằng plasma.
Hiện nay, để xử lý rác thải sinh hoạt có những phương pháp khác nhau như chôn lấp, xử lý vi sinh, đốt và hóa khí. Với chôn lấp, cách này đòi hỏi diện tích lớn và gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường. Xử lý vi sinh làm phân bón (compost) thường không khả thi vì cần phải phân loại rác đầu vào rất kỹ lưỡng để đảm bảo các hóa chất độc hại có sẵn trong rác không đi vào cây trồng, vật nuôi.
Phương pháp thiêu hủy rác bằng phản ứng đốt (oxy hóa) cũng chỉ có tác dụng nếu rác trước đó được phân loại chặt chẽ, tách các loại nhựa thải, rác điện tử và y tế…Hơn nữa các phương pháp sử dụng lò đốt bình thường ở nhiệt độ dưới 1200 độ C lại thường sinh ra dioxin và furan rất độc hại.
Theo GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Việt Nam có mật độ dân số đông, đất chật, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt rất bức xúc và chúng ta càng cần phải có nhận thức mới trong công việc này. Nên tính đến cách sử dụng công nghệ plasma hiện đại một cách chủ động sẽ rất có lợi. Chí ít, ở phương diện môi trường, nó tránh được độc hại so với phương pháp đốt rác thông thường.
Kỹ thuật xử lý rác thải bằng plasma có thể được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là cho các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi hàng ngày có từ 5 tới 7 nghìn tấn rác thải sinh hoạt và hơn 16 tấn rác thải y tế. GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ thử làm phép tính, với thủ đô Hà Nội, mỗi ngày xả rác khoảng 5.000 tấn, chúng ta cần 5 nhà máy, tức là chỉ gần 500 triệu USD là đã giải quyết được vấn đề môi trường có ý nghĩa sống còn này.
Plasma -Công nghệ của tương lai
Vốn tập trung vào ứng dụng plasma trong y học, TS Đỗ Hoàng Tùng cho biết tiềm năng ngành này còn rất lớn. Theo đó, hiện thị trường thuốc điều trị vết thương trên thế giới khoảng 20 tỷ USD/năm. Con số này của Việt Nam khoảng 50 triệu USD/năm.
Khác với thuốc kháng sinh, tia plasma còn diệt được cả bào tử nấm, virus giúp da tăng sinh để nhanh liền. Hiện tia plasma lạnh mới được một số nước như Đức, Nhật Bản, Israel… phát triển thành công trong điều trị vết thương hở. Thế giới đã có những thử nghiệm đưa plasma vào mổ nội soi nhưng chưa phát triển thành thiết bị. Ở Việt Nam thiết bị này đã được ứng dụng ở nhiều bệnh viện và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh trong điều trị.
Bên cạnh việc điều trị vết thương, y học plasma đang mở ra các ứng dụng khác trong y tế. “Ở Việt Nam, ngành này gần như còn trống nên tiềm năng phát triển lớn. Vấn đề chỉ là mình có chịu làm và có năng lực để làm hay không mà thôi”, nhà sáng lập PlasmaMed Đỗ Hoàng Tùng chia sẻ với VnExpress.
Theo Trithuctre-Genk-Cafef-Vnexpress