Về trang chủ Khỏe-Đẹp Vì sao số ca COVID-19 ở Hà Nội gia tăng?

Vì sao số ca COVID-19 ở Hà Nội gia tăng?

Những ngày gần đây, số mắc COVID-19 mới trên cả nước gia tăng trở lại sau thời gian dài duy trì dưới 30 ca/ngày.
Bệnh nhân COVID-19 điều trị nội trú tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội)

Ngày 11-4 có số ca mắc ghi nhận cao nhất từ đầu năm đến nay, gấp trên 10 lần so với ghi nhận trung bình 3 tháng đầu năm.

Từ ngày 8-4, số ca mắc mới (được báo cáo lên hệ thống) đã tăng mạnh lên hơn 100 ca mắc/ngày. Ngày 11-4, con số này tăng vọt lên 184 ca mắc mới, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Một số bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận ca nhập viện do COVID-19 cũng gia tăng nhanh chóng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 12-4 đang điều trị cho 100 bệnh nhân COVID-19, tăng 25 ca mắc trong 1 ngày (ngày 11-4 là 75 ca), trong đó nhiều bệnh nhân phải thở máy, thở oxy.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), trong tháng 3 bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân, tuy nhiên trong 10 ngày đầu tháng 4 đã tăng gấp 3 lần cả tháng 3.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – phó đơn nguyên truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn – cho biết hiện tại có khoảng 10 bệnh nhân COVID-19 điều trị nội trú.

“So với đợt trước thì bệnh viện chưa ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch, nhưng những bệnh nhân nhập viện đều tương đối nặng, đa phần các bệnh nhân đều phải thở oxy”, bác sĩ Hưng cho hay.

Anh H. (33 tuổi, Hà Nội) có triệu chứng ho, mệt mỏi, sổ mũi… Khi đến bệnh viện thăm khám và có kết quả dương tính với COVID-19 anh rất bất ngờ vì nghĩ “Hà Nội gần đây làm gì có ca bệnh mới”. “Vài ngày sau tôi bắt đầu mất vị giác, người đau nhức, khó thở, kết quả xét nghiệm tôi đã viêm phổi” – anh nói.

Anh H. đã mắc COVID-19 một lần cách đây hơn 1 năm, đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin COVID-19. “Nhưng lần này tôi thấy mệt hơn rất nhiều”, anh H. nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, triệu chứng ban đầu của các ca mắc COVID-19 mới không có nhiều biến đổi, chủ yếu là ho, sốt, mệt mỏi, đau nhức người…

Theo báo cáo kết quả giám sát biến chủng của Tổ chức Y tế thế giới tuần qua cho thấy biến thể XBB.1.5 chiếm tỉ lệ 47,1% trong các trường hợp nhiễm bệnh. Đến nay biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện tại 94 quốc gia.

Biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron xuất hiện trên thế giới từ tháng 10-2022.

Tại Việt Nam, biến thể XBB.1.5 xuất hiện từ tháng 1-2023 và cũng được Bộ Y tế cảnh báo biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn. Cho đến nay, Bộ Y tế chưa công bố biến chủng mới xuất hiện tại Việt Nam.

Các chuyên gia cũng nhận định thời tiết giao mùa tại miền Bắc là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút phát triển, trong đó có vi rút SARS-CoV-2. Hiện tiêm vắc xin COVID-19 vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, giảm thiểu bệnh nhân chuyển nặng và nhập viện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng nay 12-4, một chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết đang triển khai giải mã gene đợt mới, từ mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân nhập viện gần đây, đánh giá chủng hiện tại có gì biến đổi so với trước?

Chuyên gia này cũng cho biết các khảo sát trước đó chưa ghi nhận biến chủng mới tại Việt Nam, các chủng lưu hành đều là chủng phụ của Omicron, tương tự các nước trên thế giới.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết đang theo dõi sát tình hình COVID-19, vị này cho biết hai chỉ số quan trọng là vi rút có biến chủng hay không và số ca nặng có gia tăng không, thì theo dõi số ca nặng chưa thấy có bất thường.

“Qua thời gian thì hiệu quả miễn dịch của vắc xin cũng như ở những người đã từng mắc COVID-19 sẽ giảm dần. Hiện số mắc có tăng hơn nhưng số lượng ca ghi nhận không phải là lớn” – vị này nhận xét.

Về tiêm chủng, hiện Việt Nam đã tiêm trên 266 triệu mũi vắc xin ngừa COVID-19, riêng ngày 10-4 vẫn có trên 10.200 mũi vắc xin được tiêm, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhận xét con số này vẫn ở mức bình thường, chưa có dấu hiệu gia tăng nhu cầu tiêm chủng và vắc xin hiện có đủ tiêm thông thường.

Chuyên gia tiêm chủng nhận xét vắc xin ngừa COVID-19 đang lưu hành vẫn có hiệu quả với chủng vi rút cũ, bằng chứng là việc khống chế dịch hiệu quả thời gian qua. Với các chủng biến đổi sau này thì phải chờ đánh giá của các nhà vi rút học.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Có thể bạn quan tâm