Đưa được hàng hóa vào các kênh phân phối lớn với số lượng lớn và ổn định là mục tiêu của các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân.
Ở Việt Nam, nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đãi, hàng hóa nông sản rất phong phú và đa dạng. Song thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng nông sản vẫn bí đầu ra, đặc biệt là khó tiếp cận với kênh phân phối hiện đại.
Thiếu sự bắt tay?
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, việc kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm chất lượng tốt vào chuỗi cung ứng đã được triển khai rất bài bản, mang lại hiệu quả cao. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.
Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” hàng Việt trong hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam đã chiếm tỷ lệ cao như Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), BigC (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng)…
Bà Lê Việt Nga -Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhận định: Đây là con số ấn tượng cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên trong bối cảnh hàng hóa trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập ngoại.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế đơn vị mình, ông Hoàng Văn Khảm -Giám đốc Hợp tác xã rau-quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), cho biết: ác sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã chủ yếu cung ứng vào hai hệ thống siêu thị bán lẻ BigC và Vinmart, các bệnh viện, trường học lớn của Hà Nội.
Nhờ cung ứng vào chuỗi nông sản an toàn, thương hiệu nông sản của hợp tác xã ngày càng được khẳng định, được người tiêu dùng đón nhận. Tuy vậy, ở góc độ khác, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc CTCP tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm (phường Phú Lãm, quận Hà Đông), cho rằng: làm kinh doanh, ai cũng muốn có lợi nhuận cao, nhưng các nhà bán lẻ cần có sự chia sẻ với nhà sản xuất.
“Việc các siêu thị đặt ra mức chiết khấu cao đang khiến cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị đẩy giá thành lên cao, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất mong chờ nhà bán lẻ hỗ trợ, tránh tình trạng sau khi sản phẩm vượt qua khâu kiểm tra, vào được siêu thị thì lại đối mặt với những khó khăn khác…, ông Thành nói.
Nhà sản xuất cần chuyên nghiệp hơn
Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản giữa các địa phương và doanh nghiệp, song chủ yếu những doanh nghiệp làm ăn bài bản và qui mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại mới có thể thành công. Ở chiều ngược lại, sự manh mún, nhỏ lẻ làm ăn thiếu chuyên nghiệp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bí đầu ra, bấp bênh trên thị trường.
Nói về việc này, bà Trần Thị Phương Lan -Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho rằng: Một yếu tố quan trọng khiến việc đưa hàng hóa, nông sản Việt vào siêu thị trở nên khó khăn là do nhiều nhà sản xuất chưa kiểm soát, chưa bảo đảm được chất lượng hàng hóa để đạt tiêu chuẩn đưa vào siêu thị.
Trên thực tế, vẫn còn sản phẩm chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí chưa có mã số, mã vạch và mẫu mã, bao bì còn đơn điệu, không bắt mắt, cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…
Để có thể đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại, bà Lê Thị Mai Linh -Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group, cho biết: Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cơ sở sản xuất nông sản cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hồ sơ (đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, báo giá, hàng mẫu…).
Căn cứ các thông tin này, phía hệ thống bán lẻ sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm định sản phẩm và đánh giá đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cung ứng hàng hóa vào siêu thị hay không. “Với những điều kiện này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất, hoạt động theo hướng quy mô, chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Nếu cộng tác chặt chẽ với hệ thống phân phối bán lẻ, các cơ sở sản xuất sẽ có thông tin để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, thuận lợi trong việc xâm nhập vững chắc vào hệ thống phân phối hiện đại” -đại diện Central Group cho hay.
Có thể thấy, việc kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, hộ nông dân với hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ góp phần giải quyết nhu cầu từ cả hai phía. Hệ thống bán lẻ được đáp ứng nhu cầu về nguồn hàng chất lượng, thường xuyên; đơn vị sản xuất có “đầu ra” ổn định để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, để kết nối hiệu quả rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng, cấp có thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất phát triển bền vững.
Bà Lê Việt Nga cho biết, cùng với các giải pháp hỗ trợ đưa hàng Việt vào kênh phân phối hiện đại, Bộ Công Thương có nhiều đề án, chương trình từ nay đến năm 2020 hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hệ thống phân phối tại vùng sâu, vùng xa cũng như tập huấn kỹ năng phân phối hàng Việt cho các hộ kinh doanh theo phương thức truyền thống tại chợ.
Tuy nhiên, giải pháp cốt lõi vẫn là doanh nghiệp tăng chất lượng, đưa ra các dòng sản phẩm có giá phù hợp với khả năng, thị hiếu người tiêu dùng, nhất là khu vực nông thôn.
Theo TTXVN
Năm 2030: 20 triệu việc làm lĩnh vực chế tạo sẽ vào tay robot
Cục Cạnh tranh tiếp tục thực hiện quản lý về kinh doanh đa cấp