Sáng 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của các tỉnh Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng.
Giảm 11 huyện, 53 xã sau sáp nhập
Trước khi bắt đầu phiên họp, các đại biểu đã dành phút mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Nam Định không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp và có 44 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: QH) |
Tỉnh Nam Định đề nghị thực hiện sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện (thuộc diện khuyến khích và liền kề) và 79 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 51 cấp xã.
Với tỉnh Tuyên Quang, có 2 xã thuộc diện sắp xếp, tỉnh xây dựng phương án nhập 2 xã Hồng Lạc và Vân Sơn thành xã Hồng Sơn mới, sau sắp xếp giảm 1 xã.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, có 1 đơn vị cấp huyện (huyện Cù Lao Dung) và 1 cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tỉnh đề nghị không thực hiện sắp xếp huyện Cù Lao Dung do có vị trí biệt lập. Tỉnh xây dựng phương án nhập Phường 1 với Phường 9 để thành lập Phường 1 (mới) thuộc thành phố Sóc Trăng.
Cả 3 tỉnh đều đề nghị trước mắt giữ nguyên hiện trạng các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục, y tế trên địa bàn cấp huyện, cấp xã để bảo đảm chất lượng giáo dục và dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.
Riêng tỉnh Nam Định, thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp (ngoài y tế, giáo dục) có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, sau sắp xếp, tỉnh Nam Định dự kiến dôi dư 39 trụ sở; tỉnh Tuyên Quang dôi dư 1 và tỉnh Sóc Trăng dôi dư 4 trụ sở. Tại các đề án, 3 tỉnh đã xây dựng phương án, bảo đảm trong thời hạn 3 năm (đến tháng 9/2027) sẽ hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: QH) |
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, các đơn vị hành chính được hình thành sau sắp xếp cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện.
Sau sắp xếp tại 3 tỉnh này đã giảm được tổng số 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 53 đơn vị hành chính cấp xã.
Các Nghị quyết được đề nghị có hiệu lực thi hành ngày 1/9/2024 để tạo điều kiện cho địa phương chuẩn bị, kiện toàn tổ chức.
Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sau phiên họp sẽ có thông báo để Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và các cơ quan thống nhất thực hiện. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện xong sớm việc xây dựng các tờ trình, đề án.
Song song với quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đánh giá kỹ việc sắp xếp các đơn vị hành chính thời gian qua, trong đó chú ý bảo đảm tiết kiệm ngân sách nhà nước; tính toán việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư để tránh xảy ra tình trạng không sử dụng trong nhiều tháng, nhiều năm, gây lãng phí.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: QH) |
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, cũng như tránh gây lãng phí về tài sản công nhà nước, chúng ta phải tính toán trong lần sắp xếp này. Bộ Nội vụ là đơn vị chủ trì nhưng các bộ, ngành khác liên quan phải tích cực tham gia hướng dẫn để các địa phương thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình bố trí và giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động dôi dư, phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng. Đồng thời, quan tâm việc sắp xếp, bố trí các chức danh chủ chốt để ổn định tổ chức bộ máy đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
“Mục tiêu của Đảng, Nhà nước là sắp xếp đơn vị hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh, trật tự và hệ thống chính trị phải mạnh sau sắp xếp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.