Tại nhiều ngân hàng thương mại hiện nay, có tới 97% lượng giao dịch được thực hiện trên kênh số cho thấy sự tin tưởng của khách hàng đối với ngành. Đây là thời điểm các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất, an toàn nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình.
Ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức hội thảo và triển lãm Smart Banking với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”.
Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận nhiều thành tựu ấn tượng trong chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua. Tại nhiều ngân hàng thương mại thậm chí đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh trực tuyến đạt khoảng 97-98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch qua các kênh đều được duy trì ở mức 2 con số về cả lượng lẫn giá trị giao dịch
“Tỷ lệ số hoá của ngành Ngân hàng là rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ”, Phó Thống đốc khẳng định. Lãnh đạo NHNN cho hay, dữ liệu và bảo mật luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành. Thấu hiểu điều đó, thời gian qua chúng ta cũng đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, hỗ trợ các đơn vị ngành ngân hàng áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, từ việc ứng dụng EKYC cho phép mở tài khoản từ xa (năm 2021) đến việc cho phép mở tài khoản sử dụng căn cước công dân gắn chip (từ ngày 1/10/2024); cho vay online toàn trình; cho phép bảo lãnh điện tử…
Mặc dù vậy, cũng đang tồn tại không ít thử thách đối với ngành ngân hàng trong công cuộc số hóa. “Hiện tại, dữ liệu cho thấy chúng ta có hàng chục triệu khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống ngân hàng dừng hoạt động 5 phút? Tác động chắc chắn sẽ vô cùng lớn. Do đó, sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, chúng ta phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. Đây là thời điểm, các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình”, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đặt câu hỏi cho các đơn vị cùng tham dự sự kiện.
Chia sẻ bất ngờ từ phía lãnh đạo NHNN cho thấy, thời gian qua vẫn có tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận; việc tăng cường phối hợp, tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến nhiều nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành. Vì vậy, Phó Thống đốc đề nghị trong thời gian tới sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các tổ chức, đơn vị, bao gồm các cơ quan cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp để xác định chính xác chủ sở hữu. Với các tài khoản doanh nghiệp, khi thực hiện các giao dịch lớn cũng cần thêm một bước là chữ ký số để phục vụ tra soát khi có vấn đề xảy ra….
Công nghệ là nguồn tài nguyên quan trọng cho chuyển đổi số ngành ngân hàng
Chia sẻ tại Hội thảo “Định hình tương lai số cho ngành ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết, công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng trên thế giới và tại Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng được thúc đẩy bởi các công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, thực tế ảo tăng cường (AR) và các nền tảng ngân hàng mở…. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng, sẽ hỗ trợ hiệu quả cho chuyển đổi số thực hiện thành công. Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý, việc sử dụng và ứng dụng hiệu quả nguồn dữ liệu, cùng với ứng dụng AI vào quản trị rủi ro, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và đảm bảo an ninh, bảo mật cho hoạt động ngành Ngân hàng là một thách thức lớn.