Về trang chủ Văn hóa Ẩm thực Tục lệ cúng ông Táo ở các nước

Tục lệ cúng ông Táo ở các nước

Ngoài Việt Nam, một số nước ở châu Á cũng có tục lệ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Trung Quốc

Ở Trung Quốc, ông Táo được gọi là Táo vương, là người cai quản bếp và bảo vệ gia đình. Táo vương của người Trung Quốc chỉ có 1 ông và 1 bà. Người Trung Quốc thường lập bàn thờ với tranh ảnh hoặc tượng Táo vương trong bếp. Vào 23 tháng Chạp, người Trung Quốc sắp mâm cúng với nắm gạo nếp, bánh đường, bánh rán chiên giòn và xúp đậu. Theo quan niệm của họ, nếu cúng các món ngọt để tiễn Táo vương thì khi Táo vương về trời sẽ nói những lời ngon ngọt về chủ nhà. Người Trung Quốc không dùng cá chép như ở Việt Nam mà thường dùng nước và cỏ khô cho ngựa của Táo vương. Các gia đình ở miền Bắc thường cúng Táo vương vào ngày 23 tháng Chạp, trong khi đó, người miền Nam sẽ cúng vào ngày 24.

Mâm cúng Táo vương
Hàn Quốc

Cũng như Việt Nam, người Hàn Quốc “ăn tết” âm lịch và cũng có ngày tết ông Công ông Táo mà họ gọi là Jowangshin. Tuy nhiên, họ không cúng Jowangshin vào ngày 23 mà sẽ cúng vào 29 tháng Chạp với bữa cơm cúng gồm có trái cây, các loại bánh gạo, đồ chiên.

Theo truyền thuyết của Hàn Quốc, Jowangshin là phụ nữ, là nữ thần mang dáng hình của nước, giúp các gia đình rửa sạch những điều không may mắn để đón những điều an lành trong năm mới.

Nữ thần Jowangshin hiện thân trong một chén nước nhỏ đặt dưới bếp và sẽ được người phụ nữ trong gia đình thay mới vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng.

Người Hàn Quốc cúng thần bếp vào 29 tháng Chạp
Singapore

Người Singapore cúng ông Táo vào 23 tháng Chạp. Mâm cúng ông Táo của người Singapore là những món ngọt, họ quan niệm rằng, làm như vậy, vị thần bếp khi về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp. Họ thường phết thêm mật ong, rượt ngọt hay đường lên môi tượng ông Táo rồi thắp nhang và sau đó đốt tượng ông Táo để tiễn ông về trời.

Việt Nam

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, Táo Quân có nguồn gốc từ 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo. Táo Quân có 2 ông, 1 bà là thần Đất, thần Nhà và thần Bếp. Ông Táo là vị thần bảo vệ và mang lại may mắn cho gia đình.

Người Việt quan niệm, mỗi 23 tháng Chạp hàng năm, ông Táo sẽ về trời để báo cáo mọi chuyện với Ngọc Hoàng, và sau đó sẽ quay lại vào đêm giao thừa.

Ngày 23 tháng Chạp, người Việt sửa soạn mâm cúng để tiễn ông Táo về trời

Mâm cúng để tiễn ông Táo về trời thường có 3 mũ ông Công ông Táo, 2 mũ ông Táo có cánh rồng, 1 mũ bà Táo không chuồn chuồn, giấy tiền vàng bạc, gạo và muối. Ngoài ra, còn có trái cây, trầu cau, rượu, thịt luộc, xôi gấc, canh… Có người còn cúng cá chép sống rồi đem phóng sanh.

Theo Thanh Vân/phunuonline

Có thể bạn quan tâm