Về trang chủ Xã hội Từ chuyện mất sóng di động trong bão Yagi: Nỗi lo và trách nhiệm

Từ chuyện mất sóng di động trong bão Yagi: Nỗi lo và trách nhiệm

Bản thân mỗi nhà mạng phải nâng cao trách nhiệm giải quyết các bất cập, vướng mắc hàng ngày, vì đó là uy tín. Cao hơn thế, nhìn vào bản chất của một thương hiệu lớn, đó là xử lý được cả các sự cố khách quan, chứ không chỉ đổ lỗi vì yếu tố khách quan.

Như đã biết, Yagi (bão số 3) được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Bắc nước ta trong nhiều năm qua.

Để chủ động phòng, chống bão, Chính phủ và các bộ, ban ngành đã thực hiện nhiều giải pháp, yêu cầu để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Tuy nhiên, với sức tàn phá khủng khiếp của một siêu bão, tính tới nay đã có gần 300 người chết, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích). Bên cạnh đó, bão Yagi đã gây ra thiệt hại nặng nề về tài sản của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Hiện, mưa lũ do bão gây ra vẫn đang trải dài hầu khắp các tỉnh miền Bắc.

Trở lại với lúc cơn bão đổ bổ vào đất liền vào khoảng 12h ngày 7/9 trên khu vực giữa Quản Ninh và Hải Phòng. Sức gió khi đổ bộ lên tới cấp 12. Ngay khi bão đến, Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Ninh đã cắt điện toàn bộ, mạng lưới viễn thông ở tâm bão gián đoạn.

Sau khi tâm bão đi qua, những người sống xa quê bắt đầu gọi điện về nhà để hỏi thăm tình hình sức khỏe và cập nhật thông tin. Tuy nhiên, rất đông người dân Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương từ ngày 7-9/9 đều không thể liên lạc bằng điện thoại di động.

Một dòng trạng thái của người dân Hải Dương khi 2 ngày không thể liên lạc được với người thân. 

Những lời cảm thán như thế này xuất hiện rất nhiều trên các trang mạng xã hội trong cơn bão Yagi.

Chị N.M sống ở Hà Nội cho biết, sau khi có thông tin tâm bão đã đi qua Hải Dương, chị lập tức gọi về cho bố mẹ, gia đình ở quê. Tuy nhiên, đáp lại là hai ngày sống trong lo lắng, bất an về tình hình ở quê nhà vì không thể liên lạc được.

Chị tìm đủ mọi cách, từ nhắn tin gọi điện qua mạng xã hội như Zalo, Messenger tới nhắn tin SMS, gọi điện thoại bình thường đều “thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được”.

Phải tới ngày 10/9, chị N.M mới có thể liên lạc được với người thân. Rất may, gia đình ở quê vẫn an toàn, bão chỉ làm hư hỏng nhẹ một số tài sản và cây trong vườn.

Tương tự, chị H.H cùng quê Hải Dương hiện đang sinh sống ở Hà Đông cho biết, chiều 7/9 chị vẫn liên lạc được với bố mẹ ở quê huyện Kim Thành. Tuy nhiên đến chiều tối khi xem tin tức biết cơn bão gây thiệt hại nặng nề, chị tìm cách hỏi thăm tình hình nhưng tất cả những liên hệ di động tại Hải Dương đều mất sóng. Lo lắng, chị lên mạng xã hội tìm hiểu thì được biết khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh, Hải Dương đều diễn ra tình trạng tương tự. Cũng phải đến đêm muộn ngày 10/9 chị H.H mới có thể nhìn thấy người thân qua video call sau 3 ngày sống trên đống lửa. Chị H.H cho biết, lần đầu tiên rơi vào hoàn cảnh có người thân ở tâm bão, bản thân bất lực vì không thể giúp gì, không biết liên lạc với ai. “Đúng là nỗi lo nhân đôi, khi vừa lo bão về, vừa lo không biết gia đình, người thân của mình ra sao, cầm điện thoại mà lòng như lửa đốt, chỉ biết bấm gọi dù hi vọng liên lạc được rất mong manh” – chị H.H tâm sự.

Không chỉ mất sóng khi bão đổ bộ, sau nhiều ngày, khi mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra, tình trạng mất sóng lại tiếp diễn ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Sáng nay mạng xã hội xôn xao về bức thư tay của Bí thư Huyện ủy Bảo Yên (Lào Cai) Hoàng Quốc Bảo gửi Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh về trận lũ quét kinh hoàng tràn qua, vùi lấp hoàn toàn thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh.

Bức thư tay viết vội của Bí thư Huyện ủy huyện Bảo Yên được cán bộ băng rừng đi báo tin. Ảnh: Báo Lào Cai

Được biết, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo đã trực tiếp đến hiện trường ngay sau khi nhận tin. Tại hiện trường, do giao thông bị chia cắt, điện mất, sóng điện thoại cũng không còn, cả thôn hoàn toàn bị cô lập khiến công tác chỉ huy, chi viện thông tin ra bên ngoài gặp nhiều khó khăn. Không còn cách nào khác, ông Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên buộc phải viết thư tay báo cáo nhanh về tỉnh đồng thời thông báo cho các cơ quan huyện chi viện, ứng cứu.

Theo báo cáo thiệt hại về viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp, bão Yagi (bão số 3) đã làm đứt 7 tuyến cáp quang liên tỉnh, 12 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, làm gãy đổ 27 cột viễn thông; mất liên lạc tại 15 tỉnh/thành phố với 6285 trạm thu phát sóng di động do xảy ra mất điện.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện ứng phó với bão số 3, Bộ TT&TT đã ban hành Công điện số 5/CĐ-BTTTT ngày 5/9/2024 chỉ đạo các đơn vị tập trung ứng phó với bão ở mức độ cao nhất. Các đơn vị doanh nghiệp trong ngành cũng đã ban hành các công điện nội bộ chỉ đạo các đơn vị, chi nhánh triển khai thực hiện công tác ứng phó.

Đối với mạng viễn thông công cộng, các đơn vị đã điều động gần 7.000 cán bộ sẵn sàng trực và ứng cứu thông tin, xử lý sự cố tại các trạm BTS. 100% quân số trực 24/24 đảm bảo tập trung ứng phó với bão ở mức độ cao nhất.

Các doanh nghiệp viễn thông đã nâng cao độ vững chắc hạ tầng bằng việc tiến hành củng cố 5.030 trạm cáp, 360 nhà trạm, 2.408 cột và 173 tuyến cáp để đảm bảo an toàn ngay từ trước bão. 284 máy phát điện cũng đã được tăng cường để cung cấp điện cho các trạm BTS khi mất điện lưới. Nhà mạng cũng đã tiến hành bổ sung nhiên liệu dự trữ cho các trạm để phòng trường hợp mất điện kéo dài.

Tính đến thời điểm cuối ngày 9/9, các doanh nghiệp đã khôi phục xong các tuyến truyền dẫn trục và liên tỉnh bị đứt. Một số tuyến cáp quang nhánh chưa khắc phục được do khu vực vẫn còn bị cô lập, nước chưa rút.

Hiện vẫn còn một số địa phương sóng di động chập chờn.

Không chỉ khi có thiên tai, mà ngay đối với việc giải quyết thủ tục hành chính trong đời sống bình thường hàng ngày. Ví dụ như, đã từng có rất nhiều kiến nghị từ người dân về việc Mobifone cản trở chuyển mạng đổi số, từ chối giải quyết chuyển mạng và đưa lý do không chính xác, không hợp lệ. 

Một số người dân ở Hải Duơng và Hải Phòng vẫn đang bị mất sóng. Ảnh chụp màn hình ngày 11/9.

MobiFone cho biết, nhà mạng này đã thiết lập các điểm hỗ trợ, sử dụng máy phát điện giúp người dân sạc các loại đèn, điện thoại, pin dự phòng nhằm đảm bảo liên lạc cho người dân trong trường hợp mất điện kéo dài.

Trong khi đó, Vinaphone cho biết tại 2 địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của bão Yagi là Hải Phòng và Quảng Ninh, toàn bộ cán bộ nhân viên đều túc trực trên mạng lưới nhằm xử lý sự cố sớm nhất. Tập đoàn VNPT cũng đã điều động gần 200 nhân lực kèm theo công cụ, dụng cụ hỗ trợ cho 2 tình thành này.

VNPT đã triển khai chạy máy phát điện và 20 xe phát sóng lưu động, qua đó cơ bản đã khôi phục và đảm bảo thông tin liên lạc mạng di động Vinaphone trong bão. Tại Quảng Ninh, đến trưa 8/9, VNPT đã xử lý khôi phục hoàn toàn liên lạc.

Còn tại TP Hải Phòng, do điện lưới mất trên diện rộng, cây đổ và tình trạng ngập diễn ra trên diện rộng nên việc xử lý khôi phục thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều nhân vật lực.

Viettel Telecom cũng cho biết đã cử gần 500 đội ứng cứu thông tin tăng cường cho các tỉnh. Quân số kỹ thuật ứng cứu thông tin cho bão Yagi lên gần 8.000 người và tiếp tục tăng lên.

Trong cơn bão Yagi, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị… chúng ta đều thấy rõ. Nhưng điều đáng bàn, là trước đó, ngay trong cuộc sống bình lặng hàng ngày, bản thân mỗi nhà mạng cũng phải nâng cao trách nhiệm giải quyết các bất cập, vướng mắc, vì đó là uy tín. Cao hơn thế, nhìn vào bản chất của một thương hiệu lớn, đó là xử lý được cả các sự cố khách quan, chứ không chỉ khi sự cố qua đi, ngồi lại và đánh giá, thậm chí đổ lỗi vì yếu tố khách quan.

Vẫn biết là thiên tai khó lường hết tình hình và các kịch bản xấu nhất, nhưng câu chuyện phủ sóng điện thoại đến vùng núi và địa bàn xa không còn là chuyện một sớm một chiều. Vấn đề này đã từng được các đại biểu đưa ra trước nghị trường, và thực tế những năm gần đây, hàng trăm tỷ đã được đầu tư cho kế hoạch xóa các vùng “trắng sóng”.
Mục tiêu của sự đầu tư đó là gi? Bên cạnh việc ổn định đời sống bà con, kéo gần khoảng cách miền núi, vùng sâu vùng xa với đồng bằng, hướng tới phát triển đồng đều, ổn định về kinh tế, văn hóa, xã hội,… thì nâng cao năng lực bưu chính viễn thông còn có nhiệm vụ trọng yếu về an ninh đất nước, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Chúng ta không thể khi sự cố xảy ra, lại chỉ đổ lỗi vì nguyên nhân khách quan, mà ngành bưu chính viễn thông cũng cần xem lại trách nhiệm của chính mình, các nhà mạng cần đánh giá lại công tác quản lý, đầu tư, năng lực xử lý và giải quyết ứng phó sự cố. Không chỉ khi có thiên tai, mà ngay đối với việc giải quyết thủ tục hành chính trong đời sống bình thường hàng ngày. Ví dụ như, gần đây, từng có rất nhiều kiến nghị từ người dân về việc Mobifone cản trở chuyển mạng đổi số, từ chối giải quyết chuyển mạng và đưa lý do không chính xác, không hợp lệ. 

Bưu chính viễn thông với thương hiệu của các nhà mạng, là hình ảnh về sự phát triển triển hiện đại, là ánh sáng của văn minh, vậy nên công tác đầu tư cần được rà soát kỹ lưỡng, phải đánh giá được hết tính khả thi trong ứng phó các tình huống khẩn cấp. Và bản thân mỗi nhà mạng cũng phải nâng cao trách nhiệm giải quyết các bất cập, vướng mắc hàng ngày, vì đó là uy tín. Cao hơn thế, nhìn vào bản chất của một thương hiệu lớn, đó là xử lý được cả các sự cố khách quan, chứ không chỉ đổ lỗi vì yếu tố khách quan.

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 17/2012/TT-BTTTT, khoản 4 và khoản 7 Điều 2 Thông tư 17/2019/TT-BTTTT, doanh nghiệp bưu chính có trách nhiệm trong việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác điều hành phòng chống thiên tai . Cụ thể:

1. Xây dựng, tổ chức triển khai phương án và kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai cho mạng bưu chính, viễn thông của mình.

2. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc tại các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai theo yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và Sở Thông tin và Truyền thông của địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.

3. Chủ động hỗ trợ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình mạng bưu chính, viễn thông và việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Thông tin và Truyền thông.

Có thể bạn quan tâm