Ông Phạm Văn Khoa – Trưởng phòng GD &ĐT Quận 3- TP.HCM cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ cây phượng bật gốc đè lên học sinh, chuyên viên tâm lý của trường đã tiếp xúc và trấn an tâm lý cho học sinh, phụ huynh của trường.
Ông Từ Lương, Phó GĐ Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM
Chiều 26/5, TP.HCM đã tổ chức cuộc họp báo thông tin về sự việc cây phượng bật gốc, gãy đổ làm 1 học sinh tử vong, 17 học sinh khác bị thương xảy ra tại trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM.
Tham dự cuộc họp báo có đại diện Sở Thông tin Truyền thông, Sở Y tế, Sở Giáo dục, Sở Xây dựng TP.HCM, Phòng GD &ĐT Quận 3- TP.HCM… và gần 100 PV các báo, đài.
BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 thông tin về vụ việc
Tại cuộc họp báo, ông Từ Lương- Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết: “Có tổng số 18 học sinh bị thương nặng đang được cấp cứu ở các bệnh viện, đáng tiếc là một học sinh lớp 6 tử vong. Đây là trường hợp học sinh gia đình cận nghèo trên địa bàn phường Trần Quang Diệu, quận 3, thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.
“Ngay khi sự việc xảy ra, lãnh đạo quận đã lập tức liên lạc với các bệnh viện gần địa bàn trường THCS Bạch Đằng để đưa các em học sinh bị thương vào cấp cứu. Các lực lượng ngay lập tức xuống địa bàn, phân công đưa học sinh đi cấp cứu và đến thăm hỏi các gia đình, trấn an học sinh còn lại trong trường”- Ông Trần Quang Bá- Quyền Chủ tịch UBND Quận 3 nói.
Ông Trần Quang Bá – quyền Chủ tịch UBND Quận 3
Theo ông Trần Quang Bá, vụ tai nạn đã gây thương vong cho 18 trường hợp; Trong đó 4 em được chuyển đến Bệnh viện Sài Gòn ITO (1 em được về, 3 em được mổ xương vào trưa nay); 8 em được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (5 em sức khoẻ ổn định và đã được cho về, 3 em bị gẫy tay, chân, ảnh hưởng đến cột sống chờ mổ); 5 em được đưa vào Bệnh viện Quận 3, bị xây xát nhẹ và sau đó đã được cho về. 1 em là N.T.K (sinh năm 2008, lớp 6.8) được chuyển vào Bệnh viện An Sinh, dù cũng rất gần địa bàn nhưng đáng tiếc là đã không cứu kịp. Em K đã mất tại BV lúc 8h sáng nay.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM
Ông Phạm Văn Khoa – Trưởng phòng GD &ĐT Quận 3- TP.HCM
Có mặt tại cuộc họp báo, BS Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM – cho biết: “Ngay lúc xuống hiện trường, em học sinh N.T.K đã có dấu hiệu ngưng tim. Chúng tôi đã quyết định đưa em vào BV An Sinh là BV gần nhất với Trường Bạch Đằng lúc 6h45 phút. Em K. được chuyển đến BV An Sinh trong tình trạng chấn thương sọ não, chân bị dập nát, chèn ép ngực. Ngay sau đó, bác sĩ tiến hành hồi sức, đặt nội khí quản, ép tim ngoài lồng ngực, dùng Adrenalin (20 ống), truyền dịch và điện giải, hồi sức tim phổi tích cực. Mặc dù được bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng sau 65 phút, em K. đã không qua khỏi”.
“Hoàn cảnh gia đình nạn nhân rất khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo của quận. Mẹ của em K. vừa sinh con nhỏ được 3 ngày tuổi. Đây là trường hợp gia đình rất khó khăn nên quan điểm của quận là chỉ đạo các cơ quan đơn vị vừa động viên vừa chia sẻ để lo tang gia cho cháu được chu toàn. Tạm ứng hỗ trợ trước mắt cho gia đình 40 triệu”, ông Trần Quang Bá, Quyền Chủ tịch UBND quận 3 cho biết.
Thầy Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng
Tại buổi họp báo, thầy Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng chia sẻ, thời điểm xảy ra vụ việc có một số học sinh đang ngồi ăn sáng, một số em đang ngồi chơi và một số em tập trung gần khu bảo vệ thì cây ngã đổ về hướng này và đè trúng các em.
Thầy Phúc cho biết, với trường hợp em học sinh bị tử vong, khi vừa bị cây đè, giáo viên đến em vẫn còn tỉnh. “Riêng em K. lúc đầu các thầy cô tiếp cận và hỏi chuyện em có sao không? Em K. nói: “Em mệt lắm”! Lúc đó các cô giáo đã cho em uống nước rồi chờ xe cấp cứu đến chở em đi bệnh viện. Tuy nhiên khi xe cấp cứu đến thì em K. đã bất tỉnh mê man rồi”.
Theo lời thầy hiệu trưởng, cây phượng có tuổi thọ rất lâu rồi, được trồng từ năm 1996: “Tôi về trường này được 3 năm rồi và thấy hàng năm các công nhân Công ty cây xanh vẫn vào cắt nhánh, chăm sóc cây, những cây nào không an toàn đều được cắt bỏ. Vụ việc sáng nay khiến chúng tôi rất bất ngờ, tối hôm trước trời có mưa”, thầy Hiệu trưởng cho hay.
“Cơn dông lốc chiều qua có thể là một phần nguyên nhân của sự việc đáng tiếc. Nhưng nếu nhìn bề ngoài thì rất khó có thể biết là cây phượng này sẽ đổ. Cây rất xanh tươi, đang ra hoa nữa. Toàn bộ hoạt động diễn ra trong trường có 4 camera ghi lại nên nhà trường sẽ trích xuất camera gửi cho cơ quan điều tra – Thầy Phúc nói.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, thầy Phúc cho biết tới đây sẽ cho đốn các cây to còn lại, đặc biệt là cây Phượng:“Dù đẹp, nhưng buộc phải đốn bỏ đi để đảm bảo an toàn cho học sinh” – Thầy Phúc nói.
Thầy Nguyễn Văn Phúc thông tin, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã ổn định tâm lý cho học sinh, nhất là những em bị ảnh hưởng. Hiện tại học sinh của trường vẫn tiến hành học tập bình thường.
Ông Phạm Văn Khoa – Trưởng phòng GD &ĐT quận 3- TP.HCM
Nói về trách nhiệm trong vụ việc này, thầy Hiệu trưởng cho rằng đây là trách nhiệm của Nhà trường. “Tài sản trong khuôn viên nhà trường thì trường đó phải chịu trách nhiệm, vì vậy cây xanh ngã chính tôi là người đứng đầu Nhà trường thì sẽ là người chịu trách nhiệm chính của vụ việc”, Thầy nói.
Tại buổi họp báo, đại diện Công an Quận 3 cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã phối hợp với Viện Kiểm sát có mặt hiện trường triển khai công tác phong toả để khám nghiệm hiện trường: “Hiện tại chúng tôi vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ nguyên nhân nên sẽ thông tin kết quả điều tra sau”.
Nói về trách nhiệm quản lý cây xanh trong nhà trường, ông Lê Quang Đạo, đại diện Sở Xây dựng cho biết, Sở chỉ quản lý cây xanh đô thị trên các tuyến đường, công viên và phân cấp xuống các quận, huyện, còn cây xanh trong các công sở, trường học do đơn vị đó tự quản lý.
Theo ông Lê Quang Đạo, cây phượng là cây tán rộng, rễ chùm nên đã được khuyến cáo là không phù hợp để trồng trong đô thị. Tuy nhiên, đây là cây trồng khá phổ biến trong các trường học.
Sau sự việc này, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra việc cắt tỉa cây xanh trên toàn thành phố, để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa
Trả lời câu hỏi về vấn đề sang chấn tâm lý của học sinh sau vụ việc, Thầy Phạm Văn Khoa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 cho biết: “Phòng đã nắm tình hình ngay khi xảy ra sự việc. Ngay lúc ấy, nhà trường đã cử chuyên viên tâm lý của trường tiếp xúc và trấn an học sinh, phụ huynh. Đối diện với vấn đề sang chấn tâm lý của học sinh và giáo viên Trường THCS Bạch Đằng, trong những ngày tới, nếu có trường hợp bị sang chấn tâm lý nặng, Phòng sẽ cử các chuyên viên tư vấn tâm lý chuyên nghiệp để hỗ trợ, đảm bảo để các em hoàn thành chương trình năm học”.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết vụ tai nạn bật gốc cây trong trường học gây thương vong sáng nay là trường hợp đầu tiên xảy ra trên địa bàn thành phố.
Thông thường, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều có công văn yêu cầu các trường rà soát an toàn trong trường học bao gồm cả yếu tố cây xanh trước khi bắt đầu năm học mới và trước mùa mưa bão.
Sau sự việc đáng tiếc lần này, Sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ cây xanh, đặc biệt là cây cổ thụ trong khuôn viên của hơn 2.000 trường học trên địa bàn.
“Hàng năm, Sở triển khai công tác an toàn trường học vào hai thời điểm, tháng 8 hàng năm và tháng 3. Nhưng đáng tiếc là sự việc cây đổ xảy ra lần đầu tiên rất bất ngờ. Đây là bài học cho toàn ngành để chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn, kiểm tra lại để đảm bảo an toàn cho học sinh”- Ông Nam nói.
Được biết, chiều ngày 26/5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã cùng lãnh đạo TP.HCM, đại diện các Sở, Ngành và chính quyền địa phương đã đến thăm và chia sẻ cùng gia đình học sinh (12 tuổi) bị cây phượng đè tử vong tại trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TP.HCM.
Đại diện UBND Quận 3 cho biết, UBND Quận cũng đã chỉ đạo rà soát lại các trường có cây xanh để xử lý, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Gia Anh