Về trang chủ Xã hội Giáo dục Trường làng dùng nón lá dạy học

Trường làng dùng nón lá dạy học

Nằm ở làng nghề làm nón trăm tuổi, các giáo viên THCS Gia Thanh đã đưa chiếc nón vào bài giảng môn Toán, Hóa, được UNESCO vinh danh.

Sáng kiến Nón lá Việt Nam của trường THCS Gia Thanh, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, nhận giải thưởng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), theo thông tin trên website hôm 31/10.

Trường THCS Gia Thanh là một trong 6 trường học trên thế giới nhận được tài trợ 1.000 USD để thí điểm các bài học sử dụng di sản sống của UNESCO năm nay. Cuộc thi nhận được 146 bài dự thi đến từ 96 trường ở 23 quốc gia.

“Chúng tôi bất ngờ vì không nghĩ bài giảng đơn giản, gần gũi lại được giải”, thầy Ngô Ngọc Thụy, Hiệu trưởng nhà trường, nói.

Cô Tâm sử dụng nón lá trong một bài giảng Ngữ văn ở trường THCS Gia Thanh, Phú Thọ. Ảnh: Trần Thị Minh Tâm

Thầy Thụy cho biết Gia Thanh có làng nghề làm nón lá nổi tiếng khoảng gần 100 năm qua. Từ khi về nhận công tác hồi tháng 3, ông luôn tâm niệm phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy nghề nón nên đã cùng các thầy cô trong trường lập ra câu lạc bộ STEM nón. Để các bài học trở nên dễ tiếp thu, giáo viên cùng học sinh đã nghĩ cách đưa chiếc nón của quê hương vào các môn học.

Cô Trần Thị Minh Tâm, giáo viên Văn, kiêm phụ trách câu lạc bộ STEM của trường, nhìn nhận nghề làm nón dần bị mai một, không nhiều người trẻ ngày nay biết về nón lá.

“Nếu không đưa nón lá của địa phương vào để giáo dục, tuyên truyền nhằm bảo tồn, có lẽ một ngày nào đó, nghề này không còn được kế tục”, cô Tâm giải thích.

Việc vận dụng STEM nón lá vào giảng dạy được triển khai tại trường Gia Thanh từ năm 2022. Ví dụ với môn Toán, học sinh áp dụng các công thức để tính diện tích, chu vi, đường kính hay khoảng cách giữa các vanh nón, cạp nón… rồi thiết kế khuôn nón.

Trong môn Hóa học, các em tìm hiểu quá trình xử lý, ngâm lá, phơi khô, hong khô lá hay dùng hóa chất gì để bảo quản lá tránh bị mốc và bền hơn.

Với môn Mỹ thuật, học sinh thực hành vẽ phong cảnh làng quê Phú Thọ trang trí nón, từ đó hình thành cho các em tình yêu quê hương, đất nước.

Học sinh áp dụng kiến thức Hóa học khi tìm hiểu về quá trình xử lý lá nón. Ảnh: Trần Thị Minh Tâm

Ở môn hoạt động giáo dục địa phương và Văn, Sử, cô Tâm giúp học trò tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc của nón lá ở các làng quê Việt Nam. Các em cũng tiếp cận ca dao, dân ca hay các bài thơ, bài hát có hình ảnh nón lá.

Cô Tâm cho hay làm nón là công việc thường ngày của các bà, các mẹ nên học sinh lúc đầu thấy bình thường. Tuy nhiên khi đưa chiếc nón lá vào giảng dạy qua hoạt động giáo dục STEM, các em rất hứng thú.

“CLB STEM của trường hoạt động hiệu quả, khá nhiều học sinh biết may nón, làm ra sản phẩm tại trường”, cô nói.

Theo cô Tâm, giải thưởng của UNESCO có ý nghĩa quan trọng với các giáo viên, thúc đẩy họ có nhiều đổi mới hơn nữa trong giảng dạy.

“Tôi rất tự hào vì sáng kiến của chúng tôi được lan tỏa. Tôi mong muốn nhiều cơ quan, ban ngành biết đến và có nguồn hỗ trợ cho bà con ở xã hay nhà trường phát triển lớn mạnh hơn mô hình mà chúng tôi đang làm”, cô Tâm chia sẻ.

Theo Bình Minh/Vnexpress

Có thể bạn quan tâm