Bên cạnh Micro, nhiều loại hàng hóa được Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội mua sắm có giá trúng thầu được phê duyệt cao hơn so với giá thị trường, dấy lên nghi ngại về tình trạng bị đẩy giá, “bắt cóc ngân sách” để trục lợi.
Mới đây, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội ký ban hành Quyết định số 353/QĐ-CĐNT ngày 12/12/2020 Về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 01: “Mua sắm, lắp đặt thiết bị” thuộc Dự án: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động (Hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo) năm 2020 của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (văn bản do ông Trần Vũ Hoàng, Phó Hiệu trưởng ký).
Theo Quyết định 353, Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật Hùng Linh là đơn vị trúng thầu với giá là 5.494.709.000đ (giá gói thầu là 5.500.000.000đ). Giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và toàn bộ chi phí liên quan. Đây là loại hợp đồng trọn gói. Thời gian thực hiện hợp đồng là 25 ngày.
Nguồn vốn thực hiện gói thầu là ngân sách Trung ương bổ sung mục tiêu – vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp việc làm và an toàn lao động, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2020.
Theo Phụ lục kèm theo Quyết định 353, 14 hàng hóa có xuất xứ nước ngoài từ Nhật, Mỹ, Tây Ban Nha, Malaysia và Đài Loan. Quan sát cho thấy, giá mua sắm các thiết bị này khá cao so với thông tin ngoài thị trường (so sánh giá hàng hóa có kỹ thuật như yêu cầu của hồ sơ mời thầu). Cụ thể:
Theo Quyết định số 353/QĐ-CĐNT, sản phẩm Đàn Piano cơ 3 chân, ký mã hiệu GP215/Boston, xuất xứ Nhật Bản, mua với giá 2.041.600.000đ/chiếc (mua 1 chiếc). Giá thị trường khoảng 1,2 tỷ đồng/chiếc (đã bao gồm VAT, bảo hành và chi phí phụ trợ khác), nếu vậy, với sản phẩm này Nhà nước đang phải chi ngân sách để mua cao hơn thị trường gần 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sản phẩm Đàn Guitar classic (dây sắt), ký mã hiệu Guitar taylor 814CE/Taylor, xuất xứ Mỹ, mua với giá 152.295.000đ (mua 1 chiếc). Giá thị trường khoảng 80 triệu đồng/chiếc (đã bao gồm VAT và chi phí khác). Tiếp đến là sản phẩm Đàn piano điện Roland RP-501R/Roland, xuất xứ Malaysia, mua với giá 48,4 triệu đồng/chiếc (mua 5 chiếc), tổng giá trị cho 5 sản phẩm này là 242 triệu đồng. Giá thị trường khoảng 29,5 – 31,5 triệu đồng/chiếc.
Không chỉ có vậy, sản phẩm chân micro MFS 006/Laser, xuất xứ Đài Loan, mua với giá 2.750.000đ/chiếc (mua 8 chiếc), tổng giá trị cho 8 sản phẩm này là 22 triệu đồng. Giá trị trường khoảng 850.000 – 890.000đ/chiếc…
Đặc biệt, sản phẩm được Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà mua nhiều nhất là Micro không dây cầm tay, ký mã hiệu EW 100 G4-945-S/Sennheiser với số lượng 8 chiếc, xuất xứ Mỹ và được mua với giá 41,8 triệu đồng/chiếc; tổng giá trị cho 8 sản phẩm này là 334.400.000đ. Trong khi đó, thiết bị này đang có giá trên thị trường từ 18.000.000 – 26.980.000đ/chiếc. Với số lượng 8 chiếc, chỉ riêng sản phẩm này đã có sự chênh lệch lên đến cả trăm triệu đồng.
Sự chênh lệch giá quá cao như kết quả khảo sát trên không khỏi khiến dư luận hoài nghi về khả năng hàng hóa bị đẩy giá, ngân sách nhà nước bị “bắt cóc”.
Tìm hiểu được biết, ngoài gói thầu mua sắm thiết bị tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, thời gian qua, Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật Hùng Linh đã được công bố trúng nhiều gói thầu từ lớn đến nhỏ tại nhiều trường cao đẳng, đại học, như tại Trường Cao đẳng nghề Kinh tế kỹ thuật Bắc Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên), Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội… Tuy nhiên, giá hàng hóa tại các gói thầu này cũng đang đặt ra nhiều nghi vấn.