Về trang chủ Công nghệ Trước nguy cơ bị chặn ở Mỹ, CEO TikTok sắp phải tới hạ viện điều trần

Trước nguy cơ bị chặn ở Mỹ, CEO TikTok sắp phải tới hạ viện điều trần

Trước nguy cơ bị chặn ở Mỹ, CEO TikTok sắp phải tới hạ viện điều trần

Khi nói về TikTok, rất nhanh chúng ta sẽ nghĩ đến công ty chủ quản ByteDance với nhà sáng lập Zhang Yiming. Còn CEO của TikTok toàn cầu lại là một cái tên cực kỳ xa lạ: Shou Zi Chew, 40 tuổi người Singapore. Bỗng nhiên, Shou được nêu tên trên khắp mọi mặt báo nước ngoài đơn giản vì những áp lực từ phía chính phủ Mỹ xoay quanh mức độ an toàn của TikTok đối với cả quyền riêng tư của người dùng Mỹ lẫn an ninh quốc gia.

Ở thời điểm viết bài này, chỉ vài giờ đồng hồ nữa, Shou Zi Chew sẽ phải ngồi trước ủy ban của hạ viện Mỹ, trả lời những câu hỏi của các nhà lập pháp nước này, qua đó thuyết phục họ rằng TikTok không phải thứ nguy hiểm như các quan chức chính phủ cũng như các nghị sĩ Mỹ từng khẳng định trong nhiều năm qua.

Trái ngược hoàn toàn với sự bùng nổ về quy mô lẫn số lượng người dùng, vị giám đốc điều hành toàn cầu của TikTok lại là một người khá kín tiếng trên chính nền tảng này. Kênh TikTok của Shou chỉ có 17 nghìn lượt follower, cả kênh chỉ có 23 đoạn video. Có người nhận ra và bình luận: “Đấy, đến CEO TikTok làm clip cũng chỉ được có 41 like.” Nhưng cùng lúc, đây chính là người cầm cương điều hướng cả mạng xã hội với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, hay nói theo cách của những người khác, là “mạng xã hội nguy hiểm nhất hành tinh.”Tinhte_TikTok1.jpg

Những tháng vừa rồi, TikTok là chủ đề nóng ở cả nghị viện lẫn các cơ quan của chính phủ Mỹ, hay thậm chí là cả bên châu Âu. Shou sẽ phải ngồi trước ủy ban của hạ viện để trả lời những câu hỏi có liên quan tới tác động của TikTok đối với sức khỏe tinh thần của những người dùng trẻ tuổi. Đấy là chưa kể tới những lo ngại về nguy cơ mất an ninh quốc gia và quyền riêng tư của dữ liệu cá nhân người dùng TikTok. Chắc chắn những câu hỏi các nghị sĩ Mỹ dành cho Shou sẽ không dễ trả lời theo hướng có lợi cho MXH này nhất.

Tháng 5/2021, Shou Zi Chew được bổ nhiệm vào vị trí CEO TikTok, thay thế cho CEO tạm quyền Vanessa Pappas, nắm vị trí này sau khi Kevin Mayer từ chức chỉ sau 3 tháng làm CEO. Trước đó, vị giám đốc có bằng MBA Harvard này đã từng làm cho Goldman Sachs chi nhánh Anh Quốc, sau đó là DST Global, một đơn vị đầu tư của tỷ phú Yuri Milner, nơi chính Shou đã trở thành một trong những người đầu tiên đổ tiền đầu tư cho ByteDance năm 2013. Đến năm 2015, Shou trở thành giám đốc tài chính của Xiaomi, và tới năm 2019 là chủ tịch mảng kinh doanh toàn cầu của hãng thiết bị công nghệ này.

Tinhte_TikTok2.jpg

Kể từ khi ngồi vào ghế CEO TikTok, Shou phải nói là cực kỳ kín tiếng, giữa lúc TikTok phải hứa hẹn với các nhà quản lý và các nhà lập pháp rằng họ sẽ minh bạch hơn. Chính vì thế việc vị CEO này phải có mặt ở hạ viện Mỹ cũng tạo ra những hoài nghi về khả năng xử lý tình huống trước đám đông. Có lẽ đó chính là lý do những tháng gần đây, Shou liên tục có những cuộc phỏng vấn, cũng như kín đáo gặp gỡ những nhà lập pháp trước thềm cuộc điều trần diễn ra vào sáng thứ 5 theo giờ Mỹ.

Cùng lúc, Shou cũng có những động thái khuấy động chính bản thân cộng đồng người dùng TikTok ở Mỹ. Trong một đoạn clip đăng tải trên kênh chính thức của TikTok, Shou đưa ra lời đe dọa rằng “vài chính trị gia” có thể giành ứng dụng này khỏi “150 triệu người các bạn”, và nhờ người dùng chia sẻ thứ khiến họ yêu thích MXH này trong phần bình luận.

Trong năm qua, TikTok cũng đã cố gắng làm yên lòng các nhà lập pháp quốc tế, với những lo ngại xoay quanh bảo mật dữ liệu cá nhân cũng như tác động tiêu cực của MXH tới trẻ vị thành niên. TikTok nói họ đã bỏ 1,5 tỷ USD cho những giải pháp bảo mật, cũng như bắt đầu quy trình xóa dữ liệu người dùng được lưu trữ tại máy chủ đặt tại bang Virginia, Mỹ và Singapore, sau khi họ chuyển mọi traffic sử dụng MXH này qua hệ thống máy chủ của Oracle. Còn với lo ngại thứ hai, TikTok cho biết đã giới hạn thời gian dùng MXH xuống còn 1 giờ mỗi ngày đối với những bạn dưới 18 tuổi.

Nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu Shou có thuyết phục được những nhà lập pháp nước Mỹ hay không, nhất là khi cả hai đảng đều đồng tình với quan điểm chặn đứng sản phẩm đến từ Trung Quốc này. Cho dù là đảng nào đi chăng nữa, Shou cũng rất khó để có được đồng minh ở hạ viện Mỹ.

Tinhte_TikTok3.jpg

Thời điểm Shou nhận chức CEO TikTok, anh này đã có rất nhiều việc phải làm. TikTok chỉ trong một năm đã thay tới vị CEO thứ ba. Cùng lúc, TikTok bùng nổ trên toàn thế giới, chỉ tính riêng tại Mỹ đã có 150 triệu người dùng, nhưng đi kèm với đó là những áp lực về nghi vấn ByteDance và TikTok có liên hệ với chính phủ Trung Quốc.

Việc Shou được bổ nhiệm làm CEO TikTok đã khiến anh được đưa vào danh sách 40 Under 40 của tạp chí Fortune năm 2021, biến Shou đứng ngang hàng với những CEO nổi tiếng của làng công nghệ khác như Mark Zuckerberg hay Elon Musk. Có lẽ chính Shou đã chọn việc kín tiếng trước công chúng, thay vì lên mạng xã hội đăng bài liên tục như Musk. Nhờ đó, thậm chí còn chẳng ai biết anh này là CEO TikTok, chứ đừng nói đến chuyện bị cộng đồng đánh giá. Nhưng chính điều này cũng có thể tạo ra phản tác dụng khi quá trình làm quen với các nhà lập pháp Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn đối với Shou.

Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Shou đã bắt đầu làm việc để cố gắng xóa tan những lo ngại nói trên. Tháng 6/2021, anh này viết một bức thư cho các nhà lập pháp hạ viện Mỹ, khẳng định nỗ lực minh bạch vận hành, và nhấn mạnh rằng TikTok được anh quản lý, “một người Singapore sống ở Singapore”, chứ không phải ByteDance ở Trung Quốc.

Gần hai năm sau, mối quan hệ giữa hạ viện và TikTok dần đi xuống, mà thậm chí còn lan sang cả những nghị sĩ trước đó không bày tỏ lo ngại về TikTok. Thượng nghị sĩ Michael Bennet, người từng lên tiếng kêu gọi Apple và Google gỡ TikTok khỏi App Store và Play Store đã gặp Shou vào tháng trước, nhưng cuộc gặp không khiến ông bớt hoài nghi về hai vấn đề bảo mật và tác động của MXH tới trẻ em.

Tinhte_TikTok4.jpg

Đây không phải lần đầu TikTok bị đem ra bàn thảo ở hạ viện Mỹ, nhưng sẽ là lần đầu CEO MXH này phải ngồi trước cả công chúng lẫn các chính trị gia Mỹ.

Trước Shou, CEO tạm quyền Vanessa Pappas cũng từng ngồi ở đúng cái ghế điều trần và nói rằng không có cơ sở cho những lo ngại liên quan tới an ninh nội địa và bảo mật thông tin, và TikTok đang cố gắng giảm thiểu tối đa lượng dữ liệu của người dùng Mỹ mà các nhân viên của họ ngoài nước Mỹ có thể truy xuất. Shou có thể cũng sẽ nhắc lại y hệt quan điểm này, nhấn mạnh việc dù ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, nhưng mọi dữ liệu của TikTok được lưu trữ ở lãnh thổ Mỹ, với một bản backup ở Singapore.

Vài tổ chức thì cho rằng, cấm TikTok thì cũng không khác gì vi phạm quyền tự do ngôn luận. Thay vào đó, họ cho rằng phía Mỹ nên áp dụng những luật liên bang để quản lý cách các ứng dụng thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng, cũng như giới hạn lượng dữ liệu mà mọi tập đoàn, không riêng gì TikTok và ByteDance, có thể chia sẻ với các bên thứ 3 hoặc các cơ quan chính phủ các nước.
Theo tinhte.vn

Có thể bạn quan tâm