Về trang chủ Khỏe-Đẹp Triệu chứng tăng huyết áp, đái tháo đường ở trẻ dễ bị bỏ qua

Triệu chứng tăng huyết áp, đái tháo đường ở trẻ dễ bị bỏ qua

Phần lớn các bệnh về chuyển hóa như tăng huyết áp và đái tháo đường được ghi nhận ở người lớn. Trẻ mắc đái tháo đường và tăng huyết áp rất dễ bị bỏ qua do các dấu hiệu hay bị trùng lắp với các bệnh thông thường khác. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Vô tình phát hiện khi đi khám bệnh lý khác

Bé P.V.Đ. – con trai 12 tuổi của chị P.T.H. (ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) – được chẩn đoán bị đái tháo đường. Bé Đ. trông mập mạp hơn các bạn cùng tuổi. Gần đây, chị H. thấy Đ. đi tiểu đêm nhiều lần, hay kêu khát nước. Chị tưởng con bị bệnh liên quan tới tiết niệu nên đưa bé tới bệnh viện khám. Không ngờ, kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số đường huyết của Đ. cao hơn mức cho phép nhiều lần.

Trẻ nên vận động và chơi thể thao thường xuyên để duy trì cân nặng hợp lý – Nguồn ảnh: Internet

Bác sĩ cho biết Đ. bị béo phì, mắc bệnh đái tháo đường type 2. Đ. được dặn phải uống thuốc điều trị đái tháo đường và chăm chỉ luyện tập thể thao, thay đổi chế độ ăn uống, kiêng các thức ăn ngọt. Chị H. và gia đình rất sốc trước thông tin con trai còn nhỏ đã bị đái tháo đường. Từ nay, bé phải ăn uống hạn chế, kiêng khem và phụ thuộc vào thuốc men.

Chị P.T.K. (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể con trai của chị là bé N. (14 tuổi) cứ mỗi lần hoạt động gắng sức như đạp xe, chạy bộ lại bị nhức đầu, mặt đỏ phừng phừng. Tình trạng nhức đầu của N. xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Chị K. cứ tưởng con bị stress do học hành căng thẳng. Có lúc, chị cho rằng do thời tiết thay đổi nên bé bị cảm.

Cách đây vài ngày, trong đợt khám sức khỏe tại trường học, bác sĩ phát hiện N. bị cao huyết áp, thừa cân; khuyên gia đình đưa con đi bệnh viện khám chuyên khoa. Tại bệnh viện, các chỉ số xét nghiệm và đo huyết áp cho thấy N. chẳng những bị tăng huyết áp mà còn bị đái tháo đường. Trong gia đình chị K. không có ai bị tăng huyết áp và đái tháo đường. Nguyên nhân mắc bệnh của N. được cho rằng liên quan tới thừa cân – béo phì, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh (thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, đồ đóng hộp, đồ ăn liền…).

Bác sĩ Đặng Khôi Nguyên – Khoa Nội tiết Bệnh viện Lê Văn Thịnh – cho biết bệnh viện ghi nhận không ít trường hợp trẻ em bị đái tháo đường, tăng huyết áp phải nhập viện. Điều đáng nói, những trẻ này không phải được gia đình chủ động đưa tới tầm soát mà vô tình phát hiện đái tháo đường, tăng huyết áp khi đến khám bệnh lý khác.

Gần đây là trường hợp bé gái N.T.D. (3 tuổi) được mẹ đưa đến khám vì triệu chứng đau bụng, nôn ói. Mẹ bé cứ nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa. Thế nhưng, qua quá trình thăm khám bé D., các bác sĩ ghi nhận chỉ số đường huyết cao và các biến chứng cấp tính do đái tháo đường gây nên.

Tầm soát và duy trì lối sống lành mạnh

Theo bác sĩ Khôi Nguyên, trong những năm gần đây, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng.

Trẻ nên vận động và chơi thể thao thường xuyên để duy trì cân nặng hợp lý – Nguồn ảnh: Internet

Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường ở trẻ được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên là các bé mắc đái tháo đường type 1. Ở nhóm này, cơ thể trẻ tự sinh ra kháng thể phá hủy tế bào tuyến tụy làm tuyến tụy giảm khả năng tiết insulin. Điều này khiến trẻ bị mắc bệnh đái tháo đường ngay từ khi còn nhỏ. Khi đường huyết cao, bệnh nhi có thể có triệu chứng lừ đừ, mệt, nôn ói, đau bụng nên rất dễ bị nhầm với các bệnh về tiêu hóa, cảm sốt khác. Nhóm còn lại là các bé mắc đái tháo đường type 2. Đây là type đái tháo đường thường gặp ở người lớn nhưng gần đây, số lượng trẻ em mắc đái tháo đường type 2 ngày càng gia tăng, nguyên nhân chủ yếu từ việc tăng tỉ lệ thừa cân và béo phì.

Đối với đái tháo đường type 1, việc tầm soát và phát hiện sớm thường khó khăn. Đa số trẻ đều được chẩn đoán sau khi có triệu chứng và nhập viện. Những trẻ thừa cân – béo phì, trong gia đình có người bị đái tháo đường là các đối tượng có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2. Cha mẹ nên cho bé đi khám tầm soát sớm. Biểu hiện của đái tháo đường là trẻ hay khát nước, uống nhiều nước, tiểu đêm nhiều lần, ăn uống bình thường nhưng vẫn sụt ký, lừ đừ. Nếu phụ huynh chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo, đái tháo đường sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.

Điều trị bệnh đái tháo đường ở trẻ em tùy thuộc vào tình trạng và nguyên nhân gây bệnh. Việc theo dõi và điều chỉnh đường huyết cần được thực hiện bởi các bác sĩ. Không phải bé nào bị đái tháo đường cũng cần dùng thuốc suốt đời. Bác sĩ sẽ cho thuốc và khuyên trẻ kết hợp điều chỉnh thói quen ăn uống, luyện tập đều đặn. Khi tái khám, nếu thấy chỉ số đường huyết cải thiện tốt, duy trì ổn định thì trẻ có thể được ngưng thuốc.

Trẻ bị đái tháo đường dễ bị tăng các nguy cơ mắc bệnh về huyết áp và tim mạch. Để phòng ngừa bệnh đái tháo đường ở trẻ, phụ huynh cần duy trì cho con chế độ ăn uống lành mạnh (hạn chế thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga…). Trẻ cần thường xuyên tập luyện thể thao để không bị thừa cân, béo phì (nguyên nhân dễ gây đái tháo đường).

Liên quan tới bệnh tăng huyết áp ở trẻ, bác sĩ Khôi Nguyên cho rằng nguyên nhân cũng tương tự đái tháo đường. Có những bé bị tăng huyết áp từ rất sớm do một số bất thường trong cấu trúc hoặc các bệnh lý hiếm gặp. Bên cạnh đó, phần lớn trẻ bị tăng huyết áp có liên quan tới tình trạng thừa cân – béo phì. Triệu chứng của tăng huyết áp là trẻ hay bị nhức đầu, mệt, giảm khả năng gắng sức. Nhìn chung, dấu hiệu sớm của tăng huyết áp rất mơ hồ, chỉ khi tình trạng trở nặng mới biểu hiện rõ ràng. Do đó, những trẻ thừa cân – béo phì, có yếu tố gia đình nên chủ động khám tầm soát tăng huyết áp. Ở các bé nhỏ tuổi, việc đo huyết áp cũng thường được thực hiện khi thăm khám các bệnh lý khác. Bên cạnh đó, việc đo huyết áp có thể thực hiện dễ dàng dựa vào các thiết bị đo điện tử. Nếu thấy chỉ số huyết áp của trẻ cao, phụ huynh cần đưa con đi khám chuyên khoa sâu, không nên chủ quan bỏ qua để tránh các hậu quả nghiêm trọng.

Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, bệnh nhân dễ gặp các biến chứng về tim mạch, thậm chí đột quỵ. Với trẻ bị tăng huyết áp, cha mẹ lưu ý tránh cho con ăn đồ mặn, đồ hộp, thực phẩm chế biến ăn liền. Hãy bổ sung khẩu phần ăn nhiều rau xanh cho bé. Duy trì cân nặng hợp lý để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp. Việc điều trị đái tháo đường và tăng huyết áp ở trẻ cũng giống người lớn, cần tuân thủ chỉ định và tái khám đúng hẹn.

Theo Thanh Huyền/phunuonline

Có thể bạn quan tâm