Trách nhiệm cụ thể với những phụ huynh giao xe gắn máy phân khối lớn trên 50cc cho con em chưa đủ 18 tuổi được Hội nghị sơ kết của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (10-10) đặt ra vấn đề quyết liệt.
Học sinh chạy xe máy phân khối cao, không mang mũ bảo hiểm
Đây là một chỉ đạo hết sức cần thiết. Trẻ em chưa đủ tuổi, điều khiển xe máy gây tai nạn hoặc tự gây tai nạn cũng đều mang đến hậu quả và nỗi đau cho nạn nhân cùng gia đình hai phía.
Con số không phải để tham khảo
Vài tuần gần đây, lực lượng chức năng ở Long An và TP.HCM đã xử phạt khá nhiều phụ huynh giao xe máy phân khối lớn cho con vị thành niên. Tỉnh Đồng Nai chính thức triển khai quy định kỷ luật đảng viên giao xe máy cho con chưa đủ tuổi.
Những động thái đáng hoan nghênh này cho thấy nỗ lực phòng ngừa từ “gốc”, thay vì chỉ chạy theo kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu cam kết với học sinh điều khiển xe, do các em chưa đủ tuổi xử lý vi phạm hành chính.
Cách đây không lâu, tại Đắk Lắk, một phụ huynh là lãnh đạo cấp sở để con trai chưa đủ 18 tuổi lái xe mô tô “khủng” gây tai nạn nghiêm trọng.
Tại Tiền Giang, một em gái 14 tuổi lái xe máy trên 100cc chở theo bạn 15 tuổi, tự tông vào đuôi xe tải đang đậu bên lề đường.
Đáng sợ nhất vẫn là vụ một nam sinh chưa đủ tuổi, lái ô tô 7 chỗ ngồi “lùa” hàng loạt xe gắn máy đang dừng đèn đỏ tại một tỉnh Nam Trung Bộ.
Các em tuy là người trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm, nhưng nguyên nhân sâu xa thuộc về lỗi của người lớn.
Người lớn phải làm gương
Bạn tôi, hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM, kể chuyện có em học sinh lớp 9 còn được giao xe tay ga phân khối lớn để đưa đón em ruột ở trường tiểu học. Lợi bất cập hại, an toàn của ít nhất hai trẻ em đã bị chính phụ huynh xem nhẹ.
Tai nạn giao thông xuất phát từ lý do chủ quan chiếm tỉ lệ không nhỏ, nhất là với người chưa đủ điều kiện cầm lái, không đủ kinh nghiệm phán đoán và xử lý tình huống thì nguy cơ tai nạn cao hơn có thể đoán trước.
Ngay cả giao xe đạp hay xe đạp điện cho trẻ em cũng không thể quên “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Nhiều em từ buổi đầu tiên nhận xe đã phải tự chạy, tự xử lý mọi tình huống.
Nhìn học trò tiểu học đi về bằng xe đạp vô tư nhưng nhiều pha khiến người đi đường thót tim khi trẻ đi xe quá nhanh, chuyển hướng không quan sát, chạy giữa đường hoặc lạng trái lạng phải loạn xạ.
“Ngán” nhất là cảnh gặp các tốp học sinh dàn hàng ngang nói chuyện, hò hét hoặc rượt đuổi nhau.
Nhiều trường từ bậc tiểu học trở lên đều đã chú trọng mời cán bộ chuyên môn đến phổ biến kiến thức an toàn giao thông, kỹ năng đi xe đạp, xe đạp điện.
Nhà trường không chỉ nhắc nhở các em trong tiết sinh hoạt đầu tuần, còn thường xuyên đăng tải thông tin tình hình liên quan trật tự giao thông, trên các nhóm (group) Zalo của phụ huynh.
Để có kết quả rất cần đến tinh thần hợp tác tích cực của các bậc cha mẹ. Sự an toàn của con em do chính phụ huynh đóng vai trò quan trọng nhất.
Nhiều trường phổ thông đều không nhận giữ xe cho các học sinh “tự lái” xe phân khối lớn đi học. Để đối phó nhiều em đã gửi bên ngoài trường. Giữ gìn an toàn cho trẻ, cần có sự quyết tâm xử lý cả những cá nhân dung túng, bao che vi phạm.
Số liệu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu lên khiến ai cũng giật mình. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có 329 học sinh tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), số em bị thương còn nhiều hơn. Đồng nghĩa với trung bình mỗi ngày đều có học sinh không trở về nhà được vì TNGT.Con số đau lòng hẳn phải có tác dụng nhắc nhở trách nhiệm chính thuộc về người lớn trong việc giảm thiểu các vụ TNGT, hoặc vi phạm Luật Giao thông đường bộ liên quan đến học sinh. |
Theo Tuổi trẻ