TPHCM – Cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên, cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư khoảng 28.000 tỉ đồng dự kiến khởi công cuối năm nay và năm 2025.
Cầu Cần Giờ
Dự án cầu Cần Giờ vừa được Thường trực Thành ủy TPHCM thống nhất chủ trương điều chỉnh phương án thiết kế kiến trúc từ cầu dây văng một trụ tháp thành cầu dây văng 2 trụ tháp.
Sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở GTVT TPHCM sẽ hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cần Giờ.
Dự án cầu Cần Giờ được TPHCM phấn đấu khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028.
Cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp, nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè, có tổng chiều dài khoảng 7,3km, nối từ đường 15B (song song Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè), sau đó vượt sông nối vào đường Rừng Sác ở Cần Giờ.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 11.000 tỉ đồng, theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Công trình khi hoàn thành sẽ thay thế phà Bình Khánh, kết nối huyện đảo duy nhất TPHCM vào khu vực trung tâm. Ngoài kết nối giao thông, cầu thúc đẩy phát triển các dự án khu lấn biển, cảng quốc tế Cần Giờ.
Cầu Thủ Thiêm 4
Cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn nối Quận 7 với Khu đô thị Thủ Thiêm, dài hơn 2km, 6 làn xe.
Theo đề xuất, cầu Thủ Thiêm 4 được thiết kế có nhịp chính nâng và hạ để tàu, thuyền thuận tiện chạy trên sông Sài Gòn. Tĩnh không khai thác bình thường 15m và có thể nâng lên 45m thông qua hai trụ tháp cùng hệ thống nâng.
Để xác định tĩnh không và phương án thiết kế nhịp cầu Thủ Thiêm 4, TPHCM sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để thống nhất, bởi khu vực trên đang được nghiên cứu phương án kết nối đường sắt cao tốc Bắc – Nam với đường sắt TPHCM – Cần Thơ.
Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư khoảng 6.030 tỉ đồng (gồm cả lãi vay), đầu tư theo hình thức BOT. Dự án sẽ trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay và khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028.
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nối Quận 1 và TP Thủ Đức có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, do doanh nghiệp tài trợ 100%.
Cầu dài 500m, nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Đầu cầu phía Quận 1 nằm trong khu vực Công viên cảng Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía TP Thủ Đức bố trí tại Công viên bờ sông.
Cầu sẽ có hình tượng lá dừa nước – hình ảnh quen thuộc của miền Nam. Ngoài phục vụ người đi bộ, cầu còn có làn đường dành cho xe đạp và người khuyết tật.
Nhà tài trợ đang hoàn chỉnh hồ sơ, dự kiến trình UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong tháng 7 năm nay. TPHCM đặt mục tiêu khởi công cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn vào dịp 30.4.2025.
Cầu đường Nguyễn Khoái
Cầu đường Nguyễn Khoái có tổng vốn hơn 3.700 tỉ đồng, dài gần 5km (phần cầu dài khoảng 2,5km, rộng 6,5 – 25,5m và phần đường dài hơn 2,3km, rộng 26,5 – 61,5m).
Công trình sẽ bắt đầu từ đường D1 (kết nối trường Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam, Quận 7), sau đó phần cầu chính vượt kênh Tẻ đi trên cao bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái. Cầu tiếp tục vượt rạch Bến Nghé nối vào đường Võ Văn Kiệt.
Cầu có 2 nhánh kết nối đường Trần Xuân Soạn (Quận 7), 2 nhánh kết nối đường Tôn Thất Thuyết (Quận 4) và 4 nhánh kết nối đường Võ Văn Kiệt (Quận 1).
Khi công trình hoàn thành giúp phương tiện chạy xuyên suốt trên cầu dài 2,5km từ Quận 7 đi Quận 1 và ngược lại. Công trình sẽ khởi công cuối năm nay, hoàn thành năm 2027.
Cầu đường Bình Tiên
Dự án cầu đường Bình Tiên dài 3,2km, rộng 30-40m. Công trình bắt đầu tại nút giao Bình Tiên – Phạm Văn Chí (Quận 6), sau đó băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (Quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu, rồi chạy qua khu dân cư Bình Hưng trước khi nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).
Tổng mức đầu tư dự án hơn 6.200 tỉ đồng theo hình thức BOT. Mới đây, dự án đã được Sở GTVT TPHCM duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị triển khai.
Theo kế hoạch, cầu đường Bình Tiên dự kiến khởi công cuối năm 2025, hoàn thành năm 2028, giúp tạo thêm trục đường mới từ trung tâm TPHCM ra đường Nguyễn Văn Linh, từ đó kết nối Quốc lộ 50, Quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Vành đai 3 TPHCM.