Trong vòng 12 năm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM lún tới 81,4cm, là nơi có tốc độ sụt lún lớn nhất ở Nam Bộ theo kết quả đo đạc của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thông tin trên được công bố tại Diễn đàn quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL diễn ra sáng nay.
Theo ông Hoàng Văn Bẩy -Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm qua các tổ chức quốc tế và trong nước đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng sụt lún ở ĐBCSL và Đông Nam Bộ. Kết quả dù khác nhau song đều cho thấy xu hướng sụt lún đang diễn ra phức tạp ở vùng này.
Riêng kết quả khảo sát, đo đạc của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2005-2017 cho thấy, nhiều nơi có tốc độ sụt lún kinh hoàng. Các nhà khoa học đã chia thành 4 vùng gồm vùng không sụt lún, vùng lún dưới 5cm, vùng lún từ 5-10cm và vùng lún trên 10cm.
Trong đó khoảng 6% diện tích Đồng bằng không lún hoặc nâng lên; 29% diện tích lún dưới 5 cm; 20% diện tích lún từ 5-10 cm; 8% diện tích lún trên 10 cm và khoảng 37% diện tích hiện chưa có số liệu quan trắc để ước tính tốc độ lún. Vùng không lún khoảng 2,4 nghìn km2 phân bố ở rìa đồng bằng sông Cửu Long, thuộc một phần các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An và TP.HCM.
Vùng lún dưới 5cm có diện tích khoảng 12,2 nghìn km2, phân bố trên địa bàn 12 tỉnh/thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ. Mức độ lún toàn vùng trong giai đoạn từ 2005 đến 2017 biến đổi từ 0,1 – 5cm, trung bình 2,61cm.
Vùng lún từ 5 – 10cm có diện tích khoảng 8,4 nghìn km2, phân bố trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố trong đó tập trung chủ yếu ở Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long. Mức độ lún trong giai đoạn từ 2005 đến 2017 từ 5,1 – 10cm, trung bình 7,78cm.
Đặc biệt, vùng lún trên 10cm có diện tích khoảng 3,4 nghìn km2, phân bố trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố trong đó tập trung chủ yếu ở Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang. Tuy nhiên, vùng có mức độ lún cao nhất lại ở TP.HCM. Kết quả đo đạc cho thấy, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM trong 12 năm lún tới 81,4cm.
Đây cũng là nơi có tốc độ lún lớn nhất, lên tới 6,78cm/năm. Nhiều điểm lún mạnh khác như phường 1, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu với 62,6cm trong 12 năm và xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là 53,1cm/năm trong 12 năm. Toàn bộ vùng này có mức độ lún trong giai đoạn từ 2005 đến 2017 là 10,1 – 81,4cm, trung bình 21,5cm.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, tình trạng sụt lún đất trong vùng do các nguyên nhân về tự nhiên như đặc điểm vùng với trầm tích trẻ, đang trong quá trình cố kết, nén chặt của các lớp trầm tích, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bề mặt địa hình.
Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan do các hoạt động của con người gây ra như khai thác nước dưới đất quá mức, xây dựng đô thị, các công trình kết cấu hạ tầng, đường giao thông, quá trình tác động xung lực của các hoạt động giao thông.
Đơn vị này đề xuất cần điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức, trên cơ sở đó các địa phương sẽ phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất ở địa phương mình theo quy định.
Ngoài ra, cần xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao.
Theo TPO
Uber: Sử dụng máy bay không người lái cho dịch vụ vận chuyển đồ ăn