Tại hội nghị triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở – ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2023, tổ chức sáng ngày 2/11, bà Cao Thị Phi Vân – Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) cho biết, bộ chỉ số DDCI năm 2023 sẽ gồm 10 chỉ tiêu.
Đợt khảo sát năm nay có khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sẽ tham gia với khoảng 50.000 phiếu khảo sát. Trong đó nhiều chỉ số mới được bổ sung, chẳng hạn chỉ số “Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số” (gộp 2 chỉ số cũ của năm 2022), “chỉ số xanh”, “chỉ số sức khoẻ và môi trường”; phỏng vấn chuyên sâu 20-30 nhà đầu tư chiến lược để đóng góp ý kiến thu hút đầu tư tại TPHCM; nhờ 28 chuyên gia đọc kết quả báo cáo sau đó đưa ra phản hồi, khuyến nghị cho TPHCM…
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Hoà – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) – cho biết, DDCI 2023 mở rộng khảo sát tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (Amcham) đã thành lập ra nhiều hội đồng. Những góp ý từ Amcham tập trung vào các nội dung: thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng xuất khẩu còn quá chậm, cần phải rút ngắn lại; quy trình thanh toán, trả thuế cho nhân viên nước ngoài khá phức tạp; quy trình tranh chấp hợp đồng với các dự án đầu tư công, cấp phép lao động để thu hút nhân tài… cần cải thiện. Amcham còn mong chờ tham gia hỗ trợ thị trường vốn giúp TPHCM trở thành trung tâm tài chính trong tương lai.
Ông Trần Văn Mười – Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Thủ Đức góp ý cần khắc phục những bất cập về thủ tục hành chính. Ví dụ, quy định doanh nghiệp phải có đất ở mới được thực hiện dự án, trong khi phần lớn dự án bất động sản hiện nay được triển khai trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, đất sản xuất dẫn đến nhiều dự án bị treo. Nên có quy hoạch rõ ràng quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.
Bên cạnh đó, trong quản lý giao thông đô thị, hiện có những chuyến xe buýt từ Bến Thành về Long Phước (quận 9 cũ, TPHCM) hầu như không có khách gây lãng phí của cải nhân dân, kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Thay vào đó nên xây dựng khu kinh tế bên sông để phát triển tuyến xe buýt trên sông, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Theo ông Mười, có thể học tập mô hình cải cách thủ tục hành chính tại nước ngoài, các địa phương. Như tại Quảng Ninh, dự án được triển khai chỉ 2 tháng là thực hiện xong, cán bộ tại Đồng Tháp khi làm xong thủ tục sổ đỏ còn phát tận tay người dân. Ông cho rằng, thủ tục hành chính là luật lệ do con người đặt ra, nếu không phá bỏ luật lệ này sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TPHCM – cho biết, từ kết quả đánh giá năm 2022, các đơn vị đã có sự nhìn nhận, đề ra phương hướng khắc phục, nỗ lực cải thiện công tác điều hành và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Các giải pháp đưa ra sát với thực tế, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đã có sự nhìn nhận khách quan, xác đáng, dành nhiều kỳ vọng và sự tin tưởng với chính quyền thành phố.
Chủ đề năm 2023 của thành phố là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Để đạt được mục tiêu này, ông Võ Văn Hoan đề nghị, các khu công nghiệp, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên toàn địa bàn thành phố phải tham gia khảo sát đánh giá hoạt động của các sở ban ngành quận huyện.
Toàn bộ kết quả đánh giá phải được công khai, minh bạch, khách quan, phải được phổ biến rộng rãi đến toàn thể xã hội, phải chỉ rõ được những điểm mạnh, điểm hạn chế, phương hướng khắc phục cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan đơn vị.
“Sau khi có kết quả đánh giá, thành phố sẽ chọn ra 1 số lĩnh vực liên quan đến các điểm nghẽn cần khắc phục ngay. Tôi tin tưởng với sự đồng lòng, quyết tâm, đồng hành của các bên thì thành phố sẽ tạo nên những bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 98 về thí điểm 1 số cơ chế đặc thù, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế” – ông Võ Văn Hoan đề nghị.