Hiện nay, các doanh nghiệp và nhà phân phối tại TP. Hồ Chí Minh đang triển khai hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mãi sâu nhằm kích thích sức mua trong dịp cuối năm, đặc biệt hướng tới Tết Nguyên đán 2025.
Người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu và ưu tiên chọn các sản phẩm giảm giá, khuyến mãi. |
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ Gò Vấp, chợ Bà Chiểu, chợ Thủ Đức… không còn cảnh đông đúc khách mua như những năm trước. Các mặt hàng thời trang, thực phẩm, đồ gia dụng, vốn là “hàng hot” dịp cuối năm nay cũng thưa thớt khách hàng.
Một tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Gò Vấp, chia sẻ: “Cuối năm thường là dịp doanh số tăng cao, nhưng năm nay lượng khách giảm mạnh. Có ngày tôi chỉ bán được vài bộ quần áo, tổng doanh thu chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng, bằng 1/3 so với năm ngoái”.
Tương tự, các mặt hàng giày dép, túi xách cũng không có tín hiệu tích cực. Chủ cửa hàng giày dép tại đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức, chia sẻ: “Người tiêu dùng giờ đây ưu tiên các sản phẩm giá rẻ, mẫu mã bắt mắt. Thói quen mua sắm cũng thay đổi khi nhiều người chuyển sang mua trên các sàn thương mại điện tử với giá cả cạnh tranh hơn”.
Các mặt hàng ở chợ truyền thống ngày càng vắng người mua. |
Theo nhận định của các doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng đang ưu tiên tiết kiệm, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu và tránh mua sắm những mặt hàng không cần thiết. Khảo sát của PwC cho thấy, 63% người tiêu dùng Việt dự kiến sẽ gia tăng chi tiêu cho nhu yếu phẩm, tiếp theo là quần áo (52%) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (48%). Tuy nhiên, các mặt hàng không thiết yếu vẫn bị cắt giảm chi tiêu.
Ông Rakesh Mani, lãnh đạo Thị trường Tiêu dùng PwC Châu Á Thái Bình Dương, nhận định: “Người tiêu dùng Việt Nam đang đối mặt với nhiều áp lực kinh tế, từ lạm phát đến chi phí sinh hoạt tăng cao. Mặc dù lo ngại suy thoái kinh tế đã giảm so với năm ngoái, 77% người tiêu dùng Việt vẫn lo lắng về tài chính, đặc biệt là nhóm Gen Z (87%).”
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, dịp cuối năm, người tiêu dùng chỉ sẵn sàng gắn bó với những thương hiệu thực sự được tin tưởng với giá cả phải chăng. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn đẩy sức mua cần phải xây dựng niềm tin trên mọi phương diện và hình thành các mối liên kết bền vững với người tiêu dùng ở những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phải chăng.
Trong bối cảnh sức mua giảm, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Cụ thể, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tung ra chương trình “10 ngày vàng – Sắm thả ga” với mức giảm giá lên tới 50% cho các mặt hàng gia dụng, thời trang, thực phẩm. Bên cạnh đó, chương trình “Đi chợ đồng giá 10.000 đồng” được áp dụng cho rau củ, cùng các sản phẩm thực phẩm tươi sống giảm từ 15% đến 20%.
Mặt hàng đồ dùng trong nhà được khách hàng chọn mua vì có giá cả phải chăng. |
Tại hệ thống MM Mega Market, ngày hội “Khách hàng chuyên nghiệp 2024” đang triển khai với chính sách “mua càng nhiều, giá càng rẻ”. Đơn vị này áp dụng ưu đãi lên đến 12% cho các đơn hàng lớn và các đơn đặt hàng sớm dịp Tết Nguyên đán. Ông Regis Delesque, Giám đốc Vận hành của MM Mega Market, chia sẻ: “Cuối năm là thời điểm mua sắm sôi động. Chúng tôi tăng cường chiến lược giá ưu đãi để đón đầu xu hướng tiêu dùng và đồng hành cùng doanh nghiệp Việt duy trì nguồn hàng ổn định”.
Để đảm bảo nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các quận, huyện và TP. Thủ Đức theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa. Ban Quản lý các chợ truyền thống được yêu cầu tăng cường kiểm tra, quản lý giá cả, chất lượng sản phẩm và công tác niêm yết giá. Đồng thời, người dân được khuyến cáo tránh tiêu dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo chất lượng./.