Ngày 17.6, lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM phối hợp Hội Y học TP.HCM tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM.
Tại hội nghị, các bệnh viện (BV) đã báo cáo về các kỹ thuật chuyên sâu trong trong lĩnh vực nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa và các chuyên khoa khác. Từ những báo cáo này, ngành y tế TP.HCM sẽ hoạch định chính sách để tìm ra những chuyên khoa, kỹ thuật mũi nhọn để đầu tư, phát triển thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Cần đào tạo nguồn nhân lực
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua TP.HCM đã triển khai tích cực các hoạt động đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở y tế theo quy hoạch, nhất là các BV chuyên sâu. TP.HCM với tư cách là trung tâm lớn về nhiều mặt, không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu người dân của TP, ngành y tế TP còn tiếp nhận, điều trị cho hàng triệu bệnh nhân từ các địa phương trong cả nước và cả quốc tế. Để đáp ứng được vai trò là trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực phía nam, lãnh đạo TP.HCM đề xuất 6 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng tập trung đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng (kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ…) phục vụ theo hướng chuyên sâu…
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thêm nguồn nhân lực còn những hạn chế chủ quan mà chính ngành y tế phải tự điều chỉnh để rút ngắn lộ trình đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
“Hằng năm trên thế giới đều công bố top BV hàng đầu về sản khoa, nhi khoa, tim mạch… Tuy nhiên, các BV của chúng ta chưa tham gia vào”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay. Ông cũng nhấn mạnh mỗi cơ sở y tế không phân biệt công lập hay tư nhân phải không ngừng nỗ lực triển khai các giải pháp đã và đang thực hiện, tiếp tục được TP quan tâm chỉ đạo sâu sát, sớm lấp đầy các khoảng trống còn lại về lĩnh vực chuyên sâu so với các nước trong khu vực. Ông Thượng kiến nghị cần có cơ chế, chính sách thu hút các trường đại học y khoa có uy tín trên thế giới phối hợp các trường y khoa trong nước để đào tạo bác sĩ theo chuẩn quốc tế, như mô hình BV Việt Đức đã làm. Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều GS, PGS ở nước ngoài muốn quay về TP.HCM để cống hiến, đây là điều rất thuận lợi nếu TP.HCM có cơ chế, chính sách để phát huy nguồn nhân lực này.
Đầu tư cơ sở y tế tương xứng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế hiện có 9 đơn vị trực thuộc trên địa bàn TP.HCM. Đây đều là các cơ sở y tế chất lượng cao, phát triển mạnh mẽ về chuyên môn kỹ thuật, có sự đầu tư lớn của Bộ Y tế và sự hợp tác rộng rãi của các BV, trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực và thế giới. Nổi bật trong số đó là BV Chợ Rẫy và BV Đại học Y Dược, 2 cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu hàng đầu trong nước, là đầu tàu cho quá trình phát triển y tế chuyên sâu.
Theo ông Thuấn, việc phát triển y tế chuyên sâu của TP.HCM sẽ giúp hạn chế việc người dân ra nước ngoài khám chữa bệnh, giữ lại một khoản chi phí đáng kể cho phát triển kinh tế – xã hội. Để làm được điều này, TP.HCM cần đầu tư xây dựng các BV hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị với định hướng tầm nhìn 10 năm, 20 năm, 30 năm và lâu hơn nữa. Đặc biệt, trong mỗi giai đoạn cần có mục tiêu đầu tư cụ thể để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, Bộ Y tế đang có định hướng phát triển 2 khu phức hợp ở phía bắc tại TP.Hà Nội và phía nam tại TP.HCM. Vì thế, đề nghị UBND TP.HCM có ý kiến giới thiệu vị trí đất phù hợp với diện tích khoảng 400 ha để xây dựng khu phức hợp y tế và khu sản xuất công nghiệp dược, trang thiết bị y tế.
Trong trường hợp TP.HCM chưa đáp ứng được các điều kiện, Bộ Y tế mong nhận được ý kiến của TP.HCM để nghiên cứu, đề xuất một địa phương khác gần TP.HCM. Từ đó có cơ sở để tiếp tục xây dựng, phát triển mạng lưới phức hợp, đổi mới cơ cấu trạm y tế phường.
Theo Báo Thanh Niên