Tuyến đường Vành đai 2 TP.HCM còn 4 đoạn chưa khép kín bởi vẫn còn ba đoạn đang gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư; một đoạn đã triển khai từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành. Thông tin này được nêu ra tại buổi giám sát của HĐNH TP.HCM về tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 ngày 4/6/2019.
Tuyến đường Vành đai 2 dài 64 km, quy mô từ 6-10 làn xe hiện còn 4 đoạn chưa khép kín gồm: đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (dài 2,75km) đang triển các đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (dài 3,82km), đoạn từ nút giao Bình Thái đến Phạm Văn Đồng (dài 1,99km), đoạn Vành đai 2 phía Nam (nút giao thông An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 5,3km) đang tiếp tục kêu gọi đầu tư.
Cùng với đó, đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa-Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức) dài 2,75km được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT – xây dựng, chuyển giao).
Đây là dự án nhằm kết nối trục giao thông chính là đường Phạm Văn Đồng với Quốc lộ 1, qua đó từng bước khép kín tuyến đường Vành đai 2 theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.
Hợp đồng BT ban đầu nêu rõ tổng vốn đầu tư dự án đoạn Phạm Văn Đồng – nút giao Gò Dưa khoảng 2.765 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính toán sơ bộ cho thấy tổng mức đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng nên chi phí giải phóng mặt bằng giảm xuống (từ dự toán 1.800 tỷ đồng, giảm còn 1.100 tỷ đồng).
Theo Hợp đồng BT số 6827/HĐ-UBND ngày 25/11/2016 giữa UBND TP.HCM và Liên danh Nhà đầu tư CTCP HNS Việt Nam-CTCP đầu tư Văn Phú Invest-CTCP tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái, nhà đầu tư cam kết thời gian hoàn thành công trình dự án BT tối đa 24 tháng kể từ ngày hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Do đó, thời gian dự kiến chuyển giao dự án vào năm 2019 nhưng đến nay, dự án vẫn gặp vướng do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Ông Trần Đức Thắng -Tổng giám đốc CTCP Văn Phú Bắc Ái cho biết đến nay, giá trị thi công dự án đạt khoảng 402 tỷ đồng. Nếu cuối năm 2019, UBND quận Thủ Đức bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công thì cuối năm 2020, dự án sẽ được hoàn thành.
Nhà đầu tư đã tiến hành tạm ứng tiền phục vụ việc bồi thường, hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng khoảng 886 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay quận Thủ Đức mới bàn giao được khoảng 60% mặt bằng cho nhà đầu tư, do không liền mạch nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Đại diện UBND quận Thủ Đức cho biết việc giải phóng mặt bằng đang được tích cực triển khai.
Hiện quận đã giải quyết được 258/466 hồ sơ, còn một số hồ sơ gặp vướng mắc phức tạp, đang được tháo gỡ nên quận sẽ nỗ lực để bàn giao mặt bằng cuối năm 2019. Tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị nhà đầu tư cần chủ động phối hợp với các sở ngành, địa phương trong di dời hạ tầng kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Riêng quận Thủ Đức cần thúc đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, hằng tuần, hằng tháng thực hiện giao ban về vấn đề này để đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng thi công cho nhà đầu tư.
Theo Chinhphu
Trịnh Sướng: Bị tạm giữ do liên quan chuyên án buôn bán xăng dầu giả
Thương chiến Mỹ-Trung: Việt Nam sẽ thay đổi các chính sách thương mại
Tân Bình Aparment: Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM bị đề xuất phê bình