Từ 31/12/2018, mặt hàng tôm và bào ngư xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ phải tuân theo Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản Mỹ (SIMP).
Sau khi đạt đỉnh năm 2014 với giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu tôm sang Mỹ có xu hướng chững lại. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 255,7 triệu USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 15,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Trước đây, thị trường Mỹ từng giữ vị trí đầu bảng về nhập khẩu tôm Việt Nam.
Theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc CTCP Thủy sản sạch Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ đang phải đối mặt với những chính sách bảo hộ mậu dịch khá “phi lý” của nước này nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước.
Đơn cử như đầu tháng 3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá với tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12-POR12 (từ 1/2/2016-31/1/2017) lên đến 25,39%, cao nhất từ trước đến nay.
Ngay lập tức, VASEP đã thông báo mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam của DOC công bố có sự sai sót trong tính toán. Kết quả sai lệch là do có sự nhầm lẫn khi áp các hệ số chuyển đổi từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu trong chương trình tính toán biên độ.
Theo công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex) -bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét hành chính lần này- nếu DOC sử dụng đúng các dữ liệu thì mức thuế chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39%, sẽ thấp hơn rất nhiều so mức thuế hiện nay là 4,78%.
Vì lý do đó, con tôm Việt đang chịu mức thuế chống bán phá giá cao ở mức gần 4,8% và là mức rất cao so với các nước khác. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng gia tăng áp lực khó khăn.
Theo Langmoi