Sáng 16/7/2019 tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối họp với Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Mạng lưới nghiên cứu và tư vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các quốc gia tiểu vùng sông Mekong” (NARDT).
Dự án NARDT với mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu, đối thoại, cải thiện chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, vận động và thực thi chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn tại các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong khối ASEAN, Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia có ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của các nước trong tiểu vùng có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn tài nguyên hạn hẹp, năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp và tốc độ tăng trưởng nông nghiệp suy giảm, chênh lệch thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn còn cao.
Các nước trong tiểu vùng sông Mekong đã và đang thực hiện những cải cách chính sách rất hiệu quả. Chẳng hạn, Campuchia có nhiều kinh nghiệm hay trong sự phát triển thương hiệu gạo chất lượng cao, xây dựng chuỗi giá trị thâm nhập vào các thị trường cao cấp. Lào có nhiều bài học trong việc phát triển sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp bền vững. Myanmar cho nhiều bài học trong sự phát triển nông thôn thông qua vai trò của cộng đồng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hi vọng, thông qua dự án này, Việt Nam mong muốn các quốc gia tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm hay trong phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa các nước tiểu vùng sông Mekong thông qua mạng lưới tư vấn chính sách rộng rãi không chỉ từ cơ quan chính phủ mà còn từ các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Việc chia sẻ kinh nghiệm cũng sẽ không chỉ ở các nước tiểu vùng sông Mekong mà còn có thể học hỏi kinh nghiệm tại các quốc gia khác trong khu vực ASEAN và thế giới. Cùng với đó là nâng cao năng lực nghiên cứu và xây dựng chính sách cho các đơn vị chính trong dự án này và các đơn vị tham gia trong mạng lưới khu vực.
“Với sự giúp đỡ của IFAD và sự phối hợp tích cực từ giữa các nước, dự án này sẽ giúp nâng cao hiệu quả chính sách tại các nước tiểu vùng sông Mekong, đồng thời tăng cường hợp tác thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư hiệu quả, có trách nhiệm giữa các nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn” -Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ông Thomas Rath, Phụ trách tiểu vùng sông Mekong, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế cho biết, dự án hỗ trợ xây dựng và phát triển mạng lưới NARDT khu vực và tại mỗi quốc gia sẽ tăng cường hợp tác và tạo điều kiện để các bên tham gia rộng rãi hơn vào quá trình nghiên cứu và xây dựng chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Các bên sẽ cùng chia sẻ kiến thức thông qua trao đổi thông tin và vận động chính sách; nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân nghiên cứu chính sách; thực hiện nghiên cứu chung và đối thoại chính sách để giải quyết các vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn trong khu vực.
Tại hội thảo, đại diện Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và các thành viên sáng lập mạng lưới NARDT gồm: Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh tế và xã hội tại Myanmar (CESD), Viện Nghiên cứu Nông Lâm quốc gia tại Lào (NAFRI), Viện Nghiên cứu phát triển nguồn lực tại Campuchia (CDRI) cùng ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển mạng lưới NARDT khu vực và tại mỗi quốc gia.
Theo Chinhphu
Hội chợ lụa quốc tế Ấn Độ: 2 doanh nghiệp Việt Nam đến từ tỉnh Lâm Đồng tham gia