Sau hai cuốn tiểu thuyết kỳ ảo, Nguyễn Một ra mắt “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”. Cuốn tiểu thuyết thứ ba viết về chiến tranh với “bút pháp trần trụi”, đào sâu mảnh đất hiện thực bằng những trải nghiệm, chiêm nghiệm sống về cuộc chiến của chính tác giả.
Nhà văn Nguyễn Một ra Hà Nội để gặp gỡ bạn văn, báo giới trong lễ ra mắt sách chiều 18/6. Những gương mặt quen thuộc nhất của văn giới tề tựu để chúc mừng Nguyễn Một như nhà văn Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Nguyễn Văn Thọ, Đỗ Bích Thúy, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên…
Chúc mừng tác giả Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều không tiếc những lời ngợi khen. Ông cho rằng sau gần 50 năm cuộc chiến qua đi, Nguyễn Một ngồi xuống viết về nó bằng tư liệu, bằng góc nhìn và trách nhiệm của một nhà văn.
“Cuộc chiến xé nát cuộc sống, ước mơ của biết bao con người, bao gia đình. Trong tiểu thuyết, tầng tầng lớp lớp nhân vật, gia đình hai miền đều phải gánh sự tàn phá của chiến tranh, Nguyễn Một trở lại như nhân chứng của cuộc chiến”, Nguyễn Quang Thiều nói.
Nguyễn Một chứng kiến cái chết trong chiến tranh hàng ngày, biết bao người nông dân trong đó có cha mẹ mình nằm xuống vì bom đạn. “Cha tôi trúng đạn khi mẹ mang thai tôi được ba tháng. Lúc tôi bốn tuổi, mẹ tôi bị đạn bắn xuyên qua đầu, tôi nằm bên dưới, máu của mẹ phủ lên người tôi”, Nguyễn Một kể.
Trả lời câu hỏi của nhà văn Di Li – người dẫn dắt lễ ra mắt sách – Nguyễn Một nói về thông điệp của cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh: “Tôi đọc và thích tinh thần của Kinh thánh nói về sự yêu thương và tha thứ. Tôi muốn các bạn trẻ biết về quá khứ và ứng xử với tương lai. Mơ ước của tôi là sự hòa bình, sự yêu thương và tha thứ”.
Nhà văn, nhà báo Yên Ba là người tiếp xúc với bản thảo từ thuở sơ khai, tuy nhiên ông lại “né” nhiều câu hỏi của Di Li và chuyển ngược lại cho Nguyễn Một. Yên Ba không ngại nhận xét rằng, bút pháp ở cuốn Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín có vẻ thụt lùi so với hai cuốn Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời.
Nguyễn Một giải thích rằng ông ấp ủ ý định viết về cuốn tiểu thuyết thứ ba này từ chục năm trước. Ông quyết định viết chân thật nhất, sử dụng thủ pháp hồi ký để người đọc cảm nhận đây là câu chuyện có thật. “Nghệ thuật đạt đến đỉnh cao chính là sự đơn giản”, Nguyễn Một nói.
Tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện chân thực về cuộc tình của một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố, đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị. Câu chuyện tình của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang giai đoạn rực lửa. Tuy nhiên xung quanh mối tình này còn đan xen hàng loạt mối quan hệ với những nhân vật, những con người mang thân phận khác nhau. Bao trùm lên số phận mỗi nhân vật là vận mệnh của đất nước bị chia cắt bởi cuộc chiến lịch sử. Nhân vật chính tên Sơn luôn bị giằng xé bởi tình cảm, bởi lý trí, khi anh ta không đứng về bên nào cả trong cuộc chiến này.
“Một trong những điểm nổi bật của cuốn sách ở chỗ hơi khó tiếp nhận về mặt văn bản. Bởi vì số lượng nhân vật nhiều, từ tầng lớp người dân ở đô thị đến nông thôn, tòa thánh, mặt trận… Nhân vật không thiện và không ác như Sơn rất nguy hiểm. Tuy nhiên hành trình nhân vật Sơn đi trên lằn ranh mỏng manh của cuộc chiến thể hiện sự chắc tay của Nguyễn Một”, nhà văn Yên Ba nhận xét.
Nhà văn Tạ Duy Anh nhấn mạnh trong lời tựa: “Ý nghĩa nhân văn lớn lao nhất mà ta nhận được sau khi khép lại cuốn sách, là lời kết án: Chiến tranh, mi đừng có sinh ra trên thế gian này! Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, Nguyễn Một kỳ công đưa lại cho chúng ta những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến”.
Giám đốc công ty sách Liên Việt Vũ Phương Liên – đơn vị in ấn và phát hành cuốn sách – cho biết trong 2.000 bản in đầu tiên, tác giả dành ra 100 bản đặc biệt được in ấn, hoàn thiện công phu bằng chất liệu giấy mỹ thuật và 16 bức minh họa màu. Các bản sách đặc biệt được bán để gây quỹ từ thiện.
Nhà văn Nguyễn Một (1964) còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như Hoa dủ dẻ, Năm đứa trẻ xóm đồi, Long lanh giọt nắng…
Theo Báo Tiền Phong