Về trang chủ Văn hóa Tiểu thuyết hơn 600 trang phơi bày tật xấu trong gia đình người Việt

Tiểu thuyết hơn 600 trang phơi bày tật xấu trong gia đình người Việt

Buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” của tác giả Phạm Thị Bích Thủy được tổ chức chiều 24/10 tại Hà Nội. Tác phẩm xoay quanh thế giới đầy bất ổn của bốn chị em gái, phản ánh tệ nạn và cả sự ghen ghét, mâu thuẫn trong gia đình.

Càng đọc càng thấy kinh hoàng

Gia đình có bốn chị em gái của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy là cuốn tiểu thuyết về gia đình, xoay quanh bốn chị em gái Thương, Ái, An, Yên – tứ nữ của vợ chồng ông giáo Bình. Tác phẩm ẩn chứa nhiều bi kịch, phô bày những thói xấu, tệ nạn và cả sự ghen ghét, mâu thuẫn trong gia đình.

Tọa đàm về cuốn tiểu thuyết được tổ chức chiều 24/10 tại Hà Nội. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định với hơn 600 trang, 24 chương, Gia đình có bốn chị em gái gây bất ngờ trước hết bởi dung lượng lớn so với những cuốn tiểu thuyết đương đại.

Tác giả Phạm Thị Bích Thủy tại tọa đàm chiều 24/10.

“Vấn đề mà tác giả đặt ra trong cuốn tiểu thuyết rất rộng. Đời sống thường nhật như được cô đọng, ép vào trang sách. Người đọc có thể đổ vỡ theo đời sống đương đại nhiều ích kỷ, hủ lậu, mưu mô, đê tiện trong tác phẩm, nhưng có khi cũng được hàn gắn những vết thương sẵn có. Bốn chị em gái đại diện cho bốn cách nhìn khác nhau về thế giới”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói. Ông khẳng định càng đọc càng thấy sự kinh hoàng trong đời sống.

Tác giả Phạm Thị Bích Thủy “giải thiêng” quan niệm có từ lâu đời mà dân gian đúc kết “tứ nữ bất bần”. Tính cách của bốn cô gái Hiền Thương, Thuận Ái, Khánh An, Bảo Yên được đẩy lên đến tận cùng, thậm chí đến mức cực đoan.

Một cô Thương “chịu thương chịu khó, vun vén cho gia đình tới mức vơ váo, thèm khát vật chất đến tuyệt vọng”, ghen ghét đố kỵ thù địch với cả những con chó, con mèo.

Cô Ái “dễ dãi đến lười biếng, không bao giờ đọc hết được một trang sách, không bao giờ biết nhường cho chị hay em một miếng bánh lớn hơn, thực dụng tới mức độ thô tục”.

Cô An trung thực tới mức bị nghĩ là dở hơi hoặc giả dối, còn cô Yên cứ mặc kệ mọi thứ rồi đâu sẽ vào đấy.

Tác phẩm dày hơn 600 trang.

Khác biệt trong tính cách, đời sống cá nhân khiến thù hận nghiệt ngã giữa Thương và Ái càng được khoét sâu. Nhân vật trong truyện cũng đón nhận cái kết bi thảm.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch – Chủ nhiệm Khoa Văn học (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) – bày tỏ: “Tràn ngập những phương ngữ, biệt ngữ xã hội, tiếng chửi tục và bạo lực ngôn từ. Tiểu thuyết của Phạm Thị Bích Thủy là một hình phản chiếu của xã hội Việt Nam đương đại, khi mà những khái niệm về quê hương và gia đình, đồng hương… bị tha hóa và trở thành thuốc độc làm ô nhiễm và băng hoại xã hội đương đại”. 

Cây viết thông minh

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng Gia đình có bốn chị em gái thể hiện lối viết cao tay, nghệ thuật của một nhà văn thông minh, thời thượng. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam khẳng định nữ tác giả đã bộc lộ năng lực hư cấu và khái quát hóa nghệ thuật từ những chất liệu đời thường.

“Thành công nhất của Phạm Thị Bích Thủy là viết như một cách can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải đi tìm câu trả lời mà là liên tục tra vấn thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng”, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam bày tỏ. Tác giả tài tình vẽ biếm họa nhân vật thông qua hệ thống lời thoại.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định Phạm Thị Bích Thủy là cây viết thông minh.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy cho biết ái ngại khi cuốn sách có dung lượng lớn tới vậy. Tác giả nói Gia đình có bốn chị em gái có thể khiến những ông bố, bà mẹ trong xã hội phải nhìn nhận lại. Và trong cuốn tiểu thuyết cũng không có nhân vật chính diện tuyệt đối.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964. Từ 1986-2000, bà là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Từ năm 2000 đến nay, bà làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia, từng đoạt giải nhì cuộc thi viết truyện ngắn 2016-2017 (không có giải nhất) do quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức.

Các tác phẩm đã xuất bản của Phạm Thị Bích Thủy là tập truyện ngắn Chạy trốn (2013), tiểu thuyết Đồi cát bay (2014), tiểu thuyết Tiếng sáo lạc (2015), tiểu thuyết Đáy giếng (2015), tập truyện ngắn Zero (2017) và tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái (2024).

Theo Tiền phong.

Có thể bạn quan tâm