Từ năm 2014 đến nay, lượng nhập khẩu than tăng mạnh qua từng năm. Vì sao Việt Nam có nguồn trữ lượng lớn than lại phải nhập khẩu ?
Năm 2018: Nhu cầu tăng đột biến
Tập đoàn công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, TKV đặt ra kế hoạch năm 2018 với sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 cho điện tăng hơn so với dự tính 5,4 triệu tấn. Nguyên nhân chính xuất phát từ các nhà máy nhiệt điện than phát hết công suất, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam chi gần 2,05 tỷ USD để nhập khẩu hơn 17 triệu tấn than các loại trong 10 tháng đầu năm 2018, tăng 48,8% về khối lượng và 71,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 5 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu than tăng mạnh và đạt đỉnh hơn 2,45 triệu tấn vào tháng 5. Từ tháng 6, nhu cầu nhập khẩu bắt đầu giảm do giá than thế giới lên cao. Đến những tháng cuối năm, Việt Nam bắt đầu tăng nhập khẩu mặt hàng này trở lại dù giá thế giới giữ ở mức cao so với đầu năm.
Về nguồn cung, quốc gia cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam là Indonesia với giá nhập khẩu trung bình 73,6USD/tấn, chiếm 50% lượng than nhập khẩu về Việt Nam. Đứng thứ hai là Australia với 26%. Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn cung than đắt đỏ nhất. Việt Nam đã chi hơn 255 triệu USD để nhập khẩu gần 750.000 tấn than Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2018, tương đương mức giá trung bình là 343,8USD/tấn.
Bước sang 2019, nhu cầu than vẫn tiếp tục tăng mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, đến 15/2/2019 cả nước nhập khẩu gần 4,2 triệu tấn than đá, tổng trị giá gần 446 triệu USD. Kết quả này tăng tới gần 2,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tốc độ tăng trưởng tới 157%. Đáng chú ý, riêng trong tháng 1, lượng nhập khẩu than đá các loại đã khoảng hơn 3 triệu tấn, tháng có sản lượng nhập nhiều nhất từ trước tới nay.
Lượng than nhập khẩu tăng dần qua từng năm
Trước năm 2014, thống kê Hải quan không xếp than vào danh mục 50 mặt hàng nhập khẩu lớn, nhưng sang năm 2014, đã có 3,096 triệu tấn than được nhập khẩu, với trị giá 364,1 triệu USD. Năm 2016, nhập khẩu than đã tăng vọt lên 13,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 927 triệu USD. So với năm 2015, tăng 92,4% về lượng và 69,4% về giá trị.
Năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 14,5 triệu tấn than đá, tăng 9,8% so với năm 2016. Trị giá nhập khẩu đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 58,4% so với năm trước. Giá nhập khẩu than bình quân năm 2017 là 105USD/tấn, tăng 44,2% so với năm 2016.
Trong khi đó, năm 2013, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than đá với con số gần 2,3 triệu tấn. Trong giai đoạn 2013-2018, với tốc độ tăng bình quân lên tới 48%/năm, đến năm 2018, sản lượng than nhập khẩu của Việt Nam đã lên tới gần 22,9 triệu tấn. Giai đoạn 2013-2018, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 63 triệu tấn. Về thị trường nhập khẩu, từ năm 2013 đến nay, Việt Nam nhập khẩu than đá các loại từ các thị trường lớn như Indonesia, Australia, Nga và Trung Quốc.
Nhập khẩu than sẽ tiếp tục tăng?
TKV dự báo nhu cầu tiêu thụ than của các ngành sản xuất trong nước sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2019. Theo quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 (theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016), nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020, và lên đến 131,1 triệu tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, cũng trong quy hoạch này, sản lượng khai thác than trong nước được tính toán chỉ đạt từ 47 đến 50 triệu tấn vào năm 2020, và 55 đến 57 triệu tấn vào năm 2030.
Trong khi nguồn than khai thác còn phải dành cho nhiều lĩnh vực khác như luyện kim, xi măng, phân bón, hóa chất, và các lĩnh vực khác. Riêng 4 lĩnh vực vừa nêu (luyện kim, xi măng, phân bón, hóa chất) cũng được ước tính cần 25,5 triệu tấn than vào năm 2030. Như vậy có thể thấy, tổng nhu cầu than cả nước vào năm 2030 lên đến gần 157 triệu tấn, trong khi năng lực khai thác trong nước chỉ được tối đa 57 triệu tấn, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn than vào năm 2030.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong Báo cáo triển vọng năng lượng Thế giới, nhu cầu tiêu thụ than tại châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Đông Nam Á, sẽ tăng trưởng mạnh cho tới năm 2040.
Trong khi đó, theo dự đoán của nhóm chuyên gia phân tích tại Citibank, thị trường than thế giới sẽ dần chuyển từ trạng thái thâm hụt sang dư thừa trong 5 năm tới, chủ yếu do châu Âu, Trung Quốc giảm nhập khẩu, trong khi Indonesia và Australia tăng cường đẩy hàng ra thị trường.
Nhu cầu trong nước ngày càng tăng trong khi nguồn cung thế giới dồi dào có thể kích thích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá than nhập khẩu từ hầu hết quốc gia cung cấp than lớn cho Việt Nam vẫn đang cao hơn giá than thế giới hiện nay. Giá nhập khẩu than trung bình vào khoảng 118 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức giá than thế giới hiện nay là gần 100USD/tấn.
Đại Hữu -Langmoi.vn
Dịch tả lợn châu Phi: Tấn công 6 tỉnh phía Bắc, cả nước căng mình chống dịch
Thảo dược Toppy: Bị đình chỉ sản xuất do chất lượng sai công bố
Bàn tay vàng phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ: Phẫu thuật cho trẻ dị tật Việt Nam