Những ngày qua, một vài tờ báo điện tử trong nước bất ngờ đăng tải bài viết bày tỏ những nghi vấn xung quanh các gói thầu tiết kiệm tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Phóng viên các tờ báo này đặt câu hỏi: “Liệu có góc khuất nào phía sau việc tỷ lệ tiết kiệm trong các gói thầu đạt siêu thấp?”.
Trước các thông tin liên quan đến “đấu thầu” – một lĩnh vực khá nhạy cảm; trước “ma trận” câu hỏi dạng nghi vấn trên báo chí, dư luận được dịp trở nên “sôi động”. Chưa cần biết đúng/sai trong hoạt động đấu thầu tại bệnh viện này, chỉ với tình huống được đẩy đưa theo dạng “chắc chắn có vấn đề”, lãnh đạo bệnh viện “bỗng dưng” phải quay cuồng với lịch làm việc, kín đặc lịch phỏng vấn.
Tuy nhiên, trong tình huống này, chúng ta hãy cùng ngẫm về cái gọi là “tiết kiệm trong đấu thầu”. Cần thấy rằng, theo cách tính hiện nay, số tiền “tiết kiệm trong đấu thầu” chính là con số chênh lệch giữa giá gói thầu được phê duyệt và giá trúng thầu của nhà thầu thực hiện gói thầu. Con số “tiết kiệm trong đấu thầu”, nghĩa là tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước thông qua đấu thầu.
Khi đấu thầu, xem xét con số “tiết kiệm trong đấu thầu”, các chuyên gia lĩnh vực này cho lời khuyên rằng, cần phải chú trọng vào những yếu tố cốt lõi và bản chất của vấn đề. Nếu việc xây dựng và phê duyệt giá gói thầu chính xác, thì cách tính con số “tiết kiệm trong đấu thầu” mới có cơ sở. Hơn nữa, vấn đề không phải là “tiết kiệm” trên giấy tờ con số được bao nhiêu, mà thông qua đấu thầu, cần phải chọn được nhà thầu có đủ năng lực, đáp ứng chất lượng và tiến độ yêu cầu.
Liên quan đến những vấn đề này, khi lý giải về những nghi vấn trong “tiết kiệm trong đấu thầu” tại bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – PGS.TS Nguyễn Duy Ánh khẳng định, 06 gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế (mà một số tờ báo phản ánh vừa qua), đều có mức giá trúng thầu sát với giá kế hoạch, nên phần chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá kế hoạch (tiết kiệm trong đấu thầu) rất ít.
Ông Ánh lý giải, do bệnh viện công khai toàn bộ giá trên mạng, nên các doanh nghiệp sẽ biết “bệnh viện chỉ mua với giá cao nhất là bằng đó”. Nếu trên giá kế hoạch, bệnh viện sẽ không mua. Đồng thời khẳng định, giá đó đã có cơ quan chức năng thẩm định. Điều đó lý giải việc một số doanh nghiệp đã đưa ra mức giá chỉ thấp hơn giá kế hoạch rất ít, thậm chí bằng giá kế hoạch, để trúng thầu.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định bệnh viện không làm sai. Hiện bệnh viện vẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị với giá rẻ hơn giá kế hoạch. Cũng lưu ý rằng, với cách thức đấu thầu qua mạng, nếu một gói thầu chỉ có một đơn vị bỏ thầu mà họ trúng thầu, thì bệnh viện vẫn phải chấp thuận theo quy định, chứ không cần phải có nhiều đơn vị cùng bỏ thầu, ai thấp hơn thì trúng thầu.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh thông tin thêm rằng, với mỗi gói thầu của bệnh viện, đều có hội đồng của bệnh viện cùng xem xét và thông qua trước khi đưa ra yêu cầu mua sắm vật tư, trang thiết bị phù hợp với chức năng từng khoa, phòng. Đồng thời luôn có đơn vị thứ ba tư vấn về hồ sơ thẩm định thầu. Do đó, các gói thầu của bệnh viện tuân thủ rất chặt chẽ các quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trong những ngày tới, dư luận chắc chắn sẽ chưa nguôi về vấn đề “tiết kiệm trong đấu thầu”. Khả năng sẽ có thêm những nghi vấn trong đấu thầu tại nhiều bệnh viện khác. Qua những “bề nổi” này, cần thấy rằng, việc đặt nghi vấn là hoàn toàn xác đáng, không có gì đáng lên án, bởi đó là khởi điểm để các bệnh viện nghiêm túc hơn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, hệ thống pháp luật về đấu thầu theo đó sẽ ngày càng hoàn thiện với nhiều chế tài giám sát, xử lý. Đó là cơ sở để buộc các bệnh viện phải công khai, minh bạch thông tin, phải tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà thầu và giúp xã hội tham gia giám sát hiệu quả vào các hoạt động mua sắm công.
Theo L. Thủy – N. Hạnh TTV24