Với công nghệ chuyển giao từ tập đoàn Roding Mobility của Đức, thương hiệu ô tô điện mới sẽ chính thức lắp ráp những chiếc xe đầu tiên trên dây chuyền tại nhà máy ở Thái Bình và dự kiến tung ra thị trường Việt Nam từ đầu năm 2024.
Thị trường ô tô điện tại Việt Nam đang “nóng” dần lên, khi ngày càng có nhiều thương hiệu tham chiến. Đặc biệt, ở phân khúc ô tô điện cỡ nhỏ dành cho đô thị. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có ít nhất 3 hãng xe công bố kế hoạch đẩy mạnh phát triển và giới thiệu sản phẩm.
Đầu tiên là Wuling. Thương hiệu xe Trung Quốc sau thời gian triển khai kế hoạch lắp ráp, ngày 29.6 đã chính thức trình làng mẫu xe điện “hạt tiêu” đầu tiên – Wuling Mini EV. Tiếp đến, hãng xe Việt – VinFast cũng xác nhận kế hoạch trình làng mẫu VF3. Đặc biệt, mới đây nhất, thêm một “tân binh” cũng đã lên công bố kế hoạch góp mặt ở phân khúc ô tô cỡ nhỏ dành cho đô thị.
Cụ thể, theo thông tin công bố trong khuôn khổ Hội thảo “Hợp tác đầu tư và phát triển Thái Bình – CHLB Đức” do UBND tỉnh Thái Bình chủ trì phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam diễn ra ngày 28.6. Thương hiệu xe điện mới sắp đặt chân vào thị trường Việt Nam ra đời từ sự hợp tác giữa Công ty Roding Mobility (gọi tắt: Roding- CHLB Đức) với Công ty cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh (gọi tắt: Thái Hưng).
Hai đơn vị này đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển, sản xuất các dòng xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ tại Việt Nam. Công ty Roding Mobility của Đức sẽ tư vấn kỹ thuật, giám sát triển khai toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ khâu thiết kế – thử nghiệm đến sản xuất hoàn chỉnh và chuyển giao công nghệ cho Thái Hưng.
Đây là công ty đã có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn kỹ thuật và thiết kế sản xuất các mẫu ô tô mới tại châu Âu và Mỹ. Đặc biệt, Roding Mobility đã cung cấp các nền tảng khung gầm cho các dòng ô tô điện của nhiều hãng xe khởi nghiệp và các tập đoàn lớn, trong đó có BMW.
Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy cơ điện Thái Hưng (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) do Thái Hưng làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt lần đầu ngày 8.1.2020 và điều chỉnh ngày 30.12.2022 với mục tiêu gia công, lắp ráp và sản xuất xe điện 2 bánh, 3 bánh và ô tô điện. Tổng công suất toàn dự án là 15.000 xe/năm, trong đó, riêng ô tô điện có quy mô công suất thiết kế 5.000 xe/năm.
Theo kế hoạch, nhà máy Thái Hưng sẽ chính thức đi vào hoạt động vào quý 4/2023. Mẫu xe đầu tiên của đơn vị này dự kiến trình làng vào năm 2024. Bước đầu, hai bên sẽ tập trung phát triển xe điện nội đô (city car) theo tiêu chuẩn L7e của châu Âu với sản lượng sản xuất dự kiến trong 3 năm đầu là 6.000 xe. Sau đó, Thái Hưng sẽ sản xuất và giới thiệu tới thị trường các mẫu ô tô điện cỡ nhỏ, thuộc phân khúc A hoặc xe Mini “siêu nhỏ” dành cho đô thị.
Có thể nói, sự xuất hiện của cùng lúc 3 thương hiệu đang cho thấy sức hút cũng như tiềm năng của xe điện tại Việt Nam. Đặc biệt là phân khúc xe cỡ nhỏ, phù hợp với số đông người Việt. Hiện tại, Wuling là hãng xe đầu tiên đã chính thức chào bán và đang tạo chú ý lớn từ cộng đồng người dùng ô tô.
Theo Báo Thanh Niên