Tiến sĩ Dương Đức Thủy, nguyên trưởng bộ môn điền kinh, Cục Thể dục thể thao, cho rằng cần cuộc “đại phẫu” với điền kinh Việt Nam sau thất bại tại Asiad 19.
Điền kinh là niềm tự hào của thể thao Việt Nam tại SEA Games, Asiad những năm gần đây, nhưng tại Asiad 19 môn thể thao này đã “không còn là chính mình”.
Đội tuyển điền kinh Việt Nam ra về tay trắng, không giành được bất kỳ huy chương nào. Trong khi đó cách đây 5 năm điền kinh đã giành được 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ và đứng số 1 Đông Nam Á ở Asiad 2018 Indonesia.
Trước đó, tại SEA Games 31 năm 2022 trên sân nhà, điền kinh cũng giành đến 22 HCV, bỏ xa Thái Lan và giành vị trí số 1 Đông Nam Á. Tuy nhiên mới đây nhất tại SEA Games 32 tháng 5-2023 ở Campuchia, điền kinh Việt Nam đã để vuột vị trí số 1 vào tay Thái Lan. Đội tuyển điền kinh Việt Nam chỉ giành được 12 HCV, đứng vị trí thứ 2 Đông Nam Á (Thái Lan số 1 với 16 HCV). Chỉ số chuyên môn của hầu hết các VĐV hàng đầu đi xuống. Điền kinh không hoàn thành chỉ tiêu huy chương tại đại hội.
Ngày 6-10, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Dương Đức Thủy – nguyên trưởng bộ môn điền kinh, Cục Thể dục thể thao, trưởng đoàn điền kinh Việt Nam tham dự rất nhiều đại hội thể thao quốc tế.
- Ông có bất ngờ với thất bại của điền kinh Việt Nam tại Asiad 19 không, thưa ông?
– Không có gì là bất ngờ cả, điều này nằm trong dự báo của tôi. Sau SEA Games 31 và SEA Games 32, đánh giá tổng thể đoàn thể thao Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á. Thế nhưng trong bảng thành tích chung đó, rất ít tấm HCV có thông số chuyên môn vươn lên tầm châu Á và Olympic.
Ở môn điền kinh cũng không ngoại lệ, dù giành 12 hay 22 HCV SEA Games nhưng đến lúc này không có VĐV điền kinh nào của Việt Nam đạt chuẩn tham dự Olympic Paris 2024. Điểm sáng duy nhất ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ, thành tích có tiến bộ nhưng cũng chưa thể giành huy chương Asiad 19. Mình có tiến nhưng đối thủ còn tiến nhanh hơn, mạnh hơn mình.
* Vì sao ông lại không bất ngờ với việc “trắng tay” của điền kinh Việt Nam khi mà chỉ cách đây 5 năm chúng ta từng có 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ Asiad 18?
– Thành tích ở SEA Games và Asiad là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Tôi lấy ví dụ thế này, Nguyễn Thị Oanh là VĐV số 1 của điền kinh Việt Nam. Cô ấy có đóng góp rất lớn, nỗ lực không ngừng nghỉ và tại SEA Games 32 giành đến 4 HCV cá nhân ở những nội dung rất khó. Vậy nhưng đó là mục đích của chúng ta, đến SEA Games thi đấu nhiều để thực hiện mục tiêu lấy huy chương, phục vụ nhiệm vụ đoàn thể thao Việt Nam đứng trong tốp 3 nước dẫn đầu đại hội.
Từ rất lâu trong chiến lược xây dựng môn điền kinh của tôi là phải vượt qua Thái Lan ở Đông Nam Á. Dù vậy song hành với nó là phải giành huy chương Asiad và đạt chuẩn Olympic. Không thể mang thành tích SEA Games đi so với châu Á, thế giới mà phải chọn một vài nội dung, vài VĐV đầu tư đặc biệt thực hiện mục tiêu này. Để có huy chương Asiad, việc định hướng, đầu tư phải có trước đó cả chục năm chứ không phải muốn là được.
Thế hệ VĐV tài năng hiện ta đang có như Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Bùi Thị Thu Thảo… đều đã đầu tư cả hơn một thập kỷ. Hiện tài năng trẻ không có, điền kinh Việt Nam vì thế đang tận dụng các VĐV đã trưởng thành này. Tất nhiên, các em đã vắt sức ở SEA Games để hoàn thành chỉ tiêu. Còn đấu trường Asiad, việc đầu tư của chúng ta là chưa đến đầu đến đũa nên thành tích khó bền vững. Chưa kể các VĐV này giờ đều đã đi qua giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Vượt qua được thành tích tốt nhất của họ đã khó chứ đừng nói phát triển thêm.
Năm năm trước khác, giờ khác. Thậm chí 2 tháng trước ta vừa vô địch 4x400m tiếp sức nữ Giải điền kinh vô địch châu Á 2023 nhưng giờ vào Asiad cũng đã khác, không có huy chương. Các VĐV đã rất cố gắng, nỗ lực nhưng đối thủ của chúng ta còn mạnh hơn rất nhiều.
* Nguyên nhân thất bại của điền kinh tại Asiad 19 là gì?
– SEA Games là đấu trường không thể bỏ được. Đây là sân chơi bước đệm cho các VĐV thể hiện trước khi được tuyển chọn, đầu tư vươn tầm châu Á và thế giới. Dù vậy, không nên dồn toàn lực cho SEA Games.
Giành huy chương Asiad, chuẩn Olympic là danh giá và điền kinh Việt Nam phải đặt ra. Không có huy chương Asiad 19, và nếu đà này nhiều khả năng sẽ là Thế vận hội thứ hai liên tiếp điền kinh Việt Nam không có VĐV nào đạt chuẩn tham dự tại Olympic Paris 2024.
Nguyên nhân cho sự sa sút này đến từ nhiều yếu tố. Đầu tiên đó là hệ thống tuyển chọn, đào tạo lạc hậu, rỗng ruột đã được áp dụng nhiều thập kỷ. Không có đầu tư khoa học kỹ thuật trình độ cao vào chu trình huấn luyện, đào tạo VĐV. Khi tuyển chọn “lởm khởm”, đưa vào hệ thống đào tạo với máy móc, nhân lực cũ, hạn chế thì không thể có sản phẩm là VĐV chất lượng được.
HLV đội tuyển điền kinh quốc gia hiện có ông Vũ Ngọc Lợi là người có thể nói là khá hơn cả bởi từng đi học ở Đông Âu, có kinh nghiệm và kiến thức huấn luyện. Toàn bộ đội tuyển điền kinh Việt Nam sạch bóng, không có một chuyên gia nước ngoài nào có trình độ cao tham gia huấn luyện.
Cơ sở vật chất đào tạo, trang thiết bị tập luyện lạc hậu, yếu kém. Sân tập của VĐV điền kinh Việt Nam ở hầu hết các tỉnh – thành lạc hậu chẳng khác gì 30-40 năm trước, đường chạy chỉ có 5-6 làn trong khi thế giới có 8-10 làn. Dụng cụ tập luyện bổ trợ như phòng gym, phòng đa chức năng, bể bơi, hồi phục… kém hoặc không có. Dinh dưỡng cho VĐV chưa đảm bảo. Như vậy thật khó để có VĐV tài năng, thành tích vươn tầm Asiad, Olympic.
* Theo ông, giải pháp nào để vực dậy điền kinh Việt Nam?
– Tôi cho rằng cần cuộc “đại phẫu” với điền kinh Việt Nam sau thất bại tại Asiad 19. Đầu tiên đó là thay đổi cách thức quản lý, vận hành phát triển môn thể thao này.
Cần thay đổi hệ thống tuyển chọn, đào tạo, thi đấu VĐV điền kinh. Nói thì rất xa xôi nhưng lấy ví dụ thế này cho dễ: VĐV vừa đi thi Asiad 19 về, nhưng ngày 24-10 này họ lại lao vào tham dự Giải điền kinh vô địch quốc gia 2023 mà không có thời gian để nghỉ ngơi. Với VĐV tầm cỡ tham dự Asiad rồi thì dự giải vô địch quốc gia để thực hiện mục tiêu chuyên môn gì nếu không là chỉ để lấy huy chương cho địa phương báo cáo thành tích?
Khi VĐV giỏi về đấu, cơ hội nào cho các VĐV trẻ được thể hiện để phát hiện nhân tố mới cho đội tuyển quốc gia. Vì vậy, cần thay đổi cách thức đào tạo, thi đấu. Có hình thức tính thành tích và quyền lợi cho VĐV, đơn vị để họ có thể bỏ không tham dự giải vô địch quốc gia mà đầu tư cho những giải đấu cao hơn. Cái gì cản trở mình thì mình cần loại bỏ, thay đổi để tốt hơn. SEA Games cần nhưng phải bớt quan tâm đến thành tích ở SEA Games để đầu tư cho Asiad, Olympic.
Kinh phí là câu chuyện khó khăn muôn thuở nhưng cũng không thể trông chờ Nhà nước đầu tư đột phá để phát triển điền kinh. Liên đoàn Điền kinh Việt Nam – một trong những liên đoàn thể thao quốc gia ra đời sớm nhất tại Việt Nam – phải là nơi quy tụ được các nguồn lực xã hội phát triển điền kinh. Hiện phong trào chạy bộ trong đó có chạy đường dài, đường núi… phát triển như vũ bão nhưng liên đoàn đã làm được gì để biến nguồn lực xã hội đó giúp ích cho điền kinh thành tích cao.
Theo Tuổi trẻ