Các sàn thương mại điện tử toàn cầu Amazon.com, eBay.com, Alibaba.com… đã mở ra cơ hội bán hàng không biên giới. Ai nhanh chân tham gia cuộc chơi mới này sẽ giành chiến thắng. Làm thế nào để tham gia ?
1 đồng vốn 34 đồng lời
Số liệu thống kê của cơ quan quản lý đáng lưu tâm khi mới có khoảng 200 doanh nghiệp (DN) Việt bán hàng trên Amazon -con số rất khiêm tốn so với hàng loạt mặt hàng được xem là thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thực phẩm. Đa phần các DN vừa và nhỏ trong nước vẫn chưa chú trọng đến việc bán hàng trực tiếp qua chợ online toàn cầu.
Giới chuyên gia lưu ý là những người bán hàng nhỏ lẻ Việt nên tập làm quen dần với phương thức bán hàng online quốc tế, nên thay đổi từ tư duy nội địa thành tư duy toàn cầu thì mới có thể phát triển lớn mạnh lên được. Trên thực tế, việc rao bán những mặt hàng trên các chợ online toàn cầu đã mang lại thu nhập khủng cho không ít seller .
Đầu năm 2017, sản phẩm cao Sao Vàng bỗng trở thành hiện tượng trên các trang thương mại điện tử toàn cầu như Amazon và eBay. Mỗi một hộp cao, có giá chưa tới 5.000 đồng ở thị trường Việt Nam, được rao bán cho các khách hàng quốc tế với mức giá cao gấp 35 lần, chưa tính chi phí vận chuyển. Seller trong phi vụ này lại là một người nước ngoài.
Câu chuyện khác là chiếc lá chuối được rao bán trên Amazon Nhật Bản. Theo amazon.co.jp, 1 chiếc lá chuối được rao bán với giá 2.280 yên (tương đương khoảng 467.000 VNĐ), mua 2 lá thì giá chỉ còn 1,980 yên cho 1 lá (tương đương hơn 400 nghìn), mua 3 lá giá chỉ khoảng 760 nghìn, 5 lá là 5.700 yên (tương đương 1.146.000VND). Tại Việt nam, lá chuối có giá khoảng 50-60 nghìn đồng/kg.
Bột sắn dây cũng đang được rao bán trên chợ online quốc tế với giá bán khá đắt, một gói bột trọng lượng 450gr hiện đang được rao bán trên Amazon với mức giá 16 USD (tương đương khoảng 363 nghìn đồng). Như vậy, một kg bột sắn dây có giá vào khoảng hơn 800.000 đồng, tức cao hơn khoảng 5 lần so với giá giao dịch tại thị trường Việt Nam (trung bình 150.000 đồng/kg).
Những con số hấp dẫn
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương): Bán hàng xuyên biên giới trên môi trường internet đến trực tiếp người dùng đang ngày cáng trở nên quan trọng, và chiếm thị phần không nhỏ trong tổng giao dịch thương mại điện tử toàn cầu. 55% người Mỹ thường xuyên tìm kiếm sản phẩm mà mình cần trên Amazon.
Báo cáo năm 2017 của DHL cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử xuyên biên giới trên toàn cầu sẽ giữ vững ở mức 25% trong suốt 3 năm tới, gấp đôi so với thương mại nội địa. Theo đó, tổng giá trị các giao dịch sẽ tăng từ 300 tỷ USD năm 2015 lên ngưỡng 900 tỷ USD, chiếm đến 22% tổng giá trị thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2020.
Theo các chuyên gia, để thâm nhập thành công vào các chợ online toàn cầu, DN Việt cần cân nhắc lựa chọn sản phẩm, liên tục nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm mới lạ, chọn đối tượng khách hàng phù hợp… nhằm tăng sức cạnh tranh, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.
Amazon tạo fanpage tiếng Việt
Tháng 9/2018, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam -VECOM đã phối hợp cùng với Amazon Global Selling tổ chức sự kiện mang tên “Bán hàng toàn cầu trên Amazon” tại Hà Nội và TP.HCM, lập ra trang Global Selling và Amazon fanpage bằng tiếng Việt.
Trao đổi với báo chí, nhiều DN trong ngành thực phẩm Việt bày tỏ rất phấn khởi khi thấy một tập đoàn lớn được mệnh danh là chợ online toàn cầu như vậy đã thực sự quan tâm đến thị trường Việt Nam và các seller Việt.
Ô.Phạm Khánh -Fullfillment by Amazon Trainer, trình bày các bước đưa hàng Việt lên Amazon: Đăng ký tài khoản người bán; Liệt kê và điền thông tin sản phẩm; Đóng gói và chuyển hàng qua kho của Amazon. Về phương thức thanh toán, Amazon sẽ đứng ra thu tiền và chuyển tiền cho người bán. Thương nhân Việt cần có tài khoản ngân hàng ở Mỹ để nhận tiền từ Amazon.
Sự bắt tay chính thức của Amazon với VECOM sẽ giúp cung cấp thông tin, đào tạo và kết nối doanh nghiệp với các bên cung ứng dịch vụ hỗ trợ, hứa hẹn sẽ tháo gỡ những rào cản, là cú hích cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn
Hiệp định thương mại tự do-FTA: Ký nhiều nhưng xuất khẩu chưa tương xứng tiềm năng
Yếu khâu dự báo và nắm bắt nhu cầu: Doanh nghiệp nội hụt hơi trong cuộc đua thị phần
Du lịch nông nghiệp: Đầu tư đúng để du lịch và nông nghiệp cùng phát triển
Áp dụng truy xuất nguồn gốc để chống nạn đội lốt nông sản Việt