Sáng 10-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Phạm Minh Chính dự lễ và phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”.
Phong trào do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2023).
Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trường đại học Phenikaa, Hà Nội với 63 điểm cầu tỉnh, thành cả nước.
Muốn biết thì phải thi đua học tập
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2005 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần phê duyệt các đề án xây dựng xã hội học tập theo các giai đoạn 2005 – 2010, 2011 – 2020 và 2021 – 2030.
Việc triển khai các đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”.
Theo Thủ tướng, phát huy truyền thống của dân tộc và thấm nhuần tư tưởng của Bác, đồng thời bám sát xu thế thời đại như UNESCO đã đề xướng “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”; những năm qua, sự nghiệp “trồng người” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội và phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả nước.
Thủ tướng khẳng định nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến quan trọng; mạng lưới giáo dục được mở rộng trên khắp mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người. Nhiều điểm yếu về giáo dục đã được khắc phục, có nhiều loại hình đào tạo phong phú, đa dạng, phù hợp, mang lại cơ hội học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi.
Trong đó, vai trò các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và của xã hội, nhất là Hội Khuyến học được tăng cường, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm sâu vào từng gia đình, từng dòng họ, từng khu dân cư, từng cơ sở đào tạo, từng vùng, miền…
Nhiều phong trào dòng họ, làng, xã thi đua học tập được khôi phục và phát triển mạnh. Nhiều nơi đã xây dựng và duy trì có hiệu quả “Quỹ Khuyến học”, có các hình thức tuyên dương, động viên, khen thưởng tinh thần học tập – một nét đẹp văn hóa, tạo nên phong trào to lớn, có sức lan tỏa rộng rãi.
Cả nước xuất hiện nhiều phong trào học tập ngoại ngữ, khiêu vũ của người cao tuổi ở thành phố; học kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi ở nông thôn; lớp học trên ghe, thuyền cho các cháu làng chài miền sông nước; lớp học tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số; lớp học tiếng Anh ở vùng cao do các thầy cô giáo dưới xuôi giảng dạy thông qua các phương tiện nghe nhìn; lớp học tình thương dành cho các cháu mồ côi, khuyết tật…
Có nhiều làng trở thành hiện tượng xã hội như làng hội họa, làng của những nông dân chơi vĩ cầm, làng của những chị em quê lúa chơi kèn Tây, làng của văn hóa đọc…
Có những tấm gương cao niên nhiều năm liền kiên trì quyên góp sách, xây dựng thư viện, cổ vũ phong trào đọc sách ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng khó khăn. Đặc biệt là phong trào học tập từ xa thông qua Internet trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.
Thủ tướng cho biết có nhiều tấm gương người khuyết tật, điển hình như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, bằng nghị lực phi thường đã vượt qua số phận để đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Có những bác trên 60, 70 tuổi vẫn hằng ngày cắp sách đến trường; thậm chí có những cụ 80, 90 tuổi, vượt qua cả tuổi tác để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, lấy bằng đại học, thạc sĩ để thỏa ước mơ của cuộc đời mà tuổi trẻ không có điều kiện thực hiện.
“Đây thực sự là những mô hình mới, những tấm gương sáng về tinh thần học không bao giờ muộn, “Học, học nữa, học mãi”; “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại”, góp phần để đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng biến đổi nhanh chóng, kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi tri thức, hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao. Vì thế, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ đặc biệt quan trọng.
Lời căn dặn của Bác Hồ “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Xu hướng học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã được chú trọng triển khai ở nhiều nước… Đến nay đã có hơn 1.000 thành phố trên thế giới tham gia vào các sáng kiến “Thành phố giáo dục, thành phố học tập”.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập theo hướng đa dạng hóa
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trong học tập, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội và toàn dân tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là chỉ thị số 11 ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị, kết luận số 49 ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư và nghị quyết số 29 ngày 4-11-2013 của trung ương…
Thủ tướng yêu cầu rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập theo hướng đa dạng hóa, gắn học với hành, tài với đức, phù hợp với các đối tượng, từng địa phương thông qua các mô hình mới, cách làm hay; đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa cơ sở; hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những ai có nhu cầu học tập đều được thỏa mãn; hỗ trợ những người yếu thế, hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời.
Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo huy động sự chung tay đóng góp toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực, về vật chất, ý chí và quyết tâm, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập; khuyến khích phát triển bình đẳng, theo quy định của pháp luật đối với các loại hình đào tạo, không phân biệt giữa công lập với ngoài công lập, liên doanh, liên kết; tập trung củng cố hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa; hình thành các thư viện cố định và di động ở từng khối xóm, khu phố.
Khuyến khích văn hóa đọc ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân; phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống giáo dục thường xuyên; xóa các vùng lõm về điện, sóng viễn thông, tạo điều kiện cho mọi người, mọi nhà tiếp cận Internet và các thành tựu công nghệ mới; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
“Chúng ta phải chung sức, đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tạo động lực, truyền cảm hứng để người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập, cả nước học tập. Học tập mọi lúc mọi nơi, học tập trên mọi lĩnh vực để hoàn thiện mình về đức, trí, thể, mỹ.
Học tập để góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng; người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thua kém bất kỳ đất nước nào trên thế giới”, Thủ tướng mong muốn.
Sau khi Thủ tướng phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Phú Thọ phát biểu hưởng ứng nồng nhiệt; cam kết triển khai cụ thể và phát động thi đua trong toàn hệ thống nhằm góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua này.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương thực hiện nghi thức nhấn nút khởi động cam kết hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Sau lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”, các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai phong trào thi đua sâu, rộng và thường xuyên ở cơ quan, đơn vị, địa phương, để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030”.
Theo Báo Tuổi Trẻ