Về trang chủ Khỏe-Đẹp Thoát cắt cụt chân trong gang tấc nhờ đến viện kịp thời

Thoát cắt cụt chân trong gang tấc nhờ đến viện kịp thời

Ông Nguyễn Điều (88 tuổi), ở huyện Núi Thành, Quảng Nam xuất hiện đau cẳng chân phải liên tục, đau nhiều hơn khi đi. Ngón chân cái xuất hiện dấu hiệu chảy mủ, đau nhức nên người nhà đưa đến bệnh viện.

Qua thăm khám lâm sàng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam phát hiện bàn chân phải của bệnh nhân lạnh hơn bên trái, phù nhẹ, ngón cái có dấu hiệu loét hoại tử do thiếu máu mạn tính.

Ông Nguyễn Điều (88 tuổi), ở huyện Núi Thành, Quảng Nam xuất hiện đau cẳng chân phải liên tục, đau nhiều hơn khi đi. Ngón chân cái xuất hiện dấu hiệu chảy mủ, đau nhức nên người nhà đưa đến bệnh viện.

Kết quả siêu âm, chụp cản quang tăng sáng động mạch chân phải phát hiện hình ảnh xơ vữa nặng động mạch gây tắc hoàn toàn tất cả 3 nhánh cấp máu cho cẳng và bàn chân bao gồm động mạch chày trước, động mạch chày sau và động mạch mác.

Ở giai đoạn này của bệnh nhân, đã có loét hoại tử đầu chi, bắt đầu ở ngón chân và có xu hướng diễn biến lan cao dần, kèm theo là đau liên tục vùng cẳng bàn chân do thiếu máu không thể đi lại được, bệnh nhân đối diện với nguy cơ bị cắt cụt chi rất lớn vì tắc mạch máu.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ các Khoa Cấp cứu – Can thiệp tim mạch, Khoa Ngoại lồng ngực, Khoa Gây mê hồi sức thống nhất chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch khoeo đến động mạch chày sau đoạn cổ chân của cẳng chân phải bằng mạch máu tự thân là tĩnh mạch hiển lớn vùng cẳng chân phải để tái lập lưu thông động mạch cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật do TS.BS Nguyễn Lương Tấn – Phụ trách Khoa Ngoại lồng ngực của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cùng ê kíp thực hiện.

Ca mổ diễn ra theo đúng nhận định của bác sĩ, tĩnh mạch hiển lớn tự thân trở thành thân động mạch mới, bàn chân phải hồng ấm trở lại.

Một tuần sau mổ chân phải bệnh nhân phục hồi tốt, hết đau nhức, bệnh nhân đã có thể đi lại nhẹ nhàng, vết loét hoại tử đầu ngón chân bắt đầu có dấu hiệu liền sẹo.

Bệnh nhân tự mình bước đi trong bệnh viện khi trở lại tái khám lần đầu sau mổ với tinh thần lạc quan cho sức khỏe, vận động.

Bệnh nhân tái khám sau 1 tuần xuất viện. Ảnh: Phương Thảo

Việc phẫu thuật bắc cầu thay thế động mạch chi bị tắc do bệnh lý xơ vữa là phẫu thuật cần thiết để cứu chân khỏi bị cắt cụt do thiếu máu và hoại tử.

Tuy nhiên, đây chỉ là một bước trong toàn bộ quá trình điều trị bệnh lý xơ vữa động mạch, bệnh nhân cần tiếp tục điều trị nội khoa bệnh lý mạch máu bằng thuốc uống.

Bệnh nhân sau mổ cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ tác động đến tiến trình xơ vữa mạch máu bao gồm tránh hút thuốc lá chủ động và bị động, ổn định chuyển hóa mỡ bằng chế độ dinh dưỡng ít béo, nhiều rau.

Vận động hoặc thể dục đầy đủ để chuyển hóa mỡ và đường ổn định, tăng lưu lượng máu qua tim và toàn thân giúp tránh tắc cầu nối động mạch và phát triển tuần hoàn bên qua các vị trí hẹp và tắc động mạch ở các vùng cơ thể bị bệnh mà chưa có hiện tượng hoại tử.

Điều trị đái tháo đường ổn định nếu có; điều trị ổn định các bệnh lý gây viêm trong cơ thể, giảm tác động của các stress bằng sống lành mạnh, tạo lối sống và suy nghĩ lạc quan…

Kỹ thuật mổ bắc cầu phần xa của chân bằng ghép mạch tự thân là một kỹ thuật khó, phức tạp và chuyên sâu thường được triển khai chủ yếu tại các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật mạch máu với đầy đủ các chuyên khoa phối hợp như Nội Tim Mạch, Chẩn đoán hình ảnh tim mạch, Tim mạch can thiệp, Xét nghiệm…

Việc ứng dụng và triển khai thành công kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực phẫu thuật mạch máu đã mang lại cơ hội điều trị, niềm hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý mạch máu được điều trị lành bệnh mà không phải đi xa như trước đây.

Theo Báo Sức Khỏe Và Đời Sống

Có thể bạn quan tâm