Năm nay, đa số những vở diễn ra mắt dịp hè phục vụ khán giả nhí đều khai thác câu chuyện gia đình. Có khá nhiều đề tài dành cho thiếu nhi, tại sao đề tài về gia đình vẫn là ưu tiên số 1?
Khán giả Thu Trang (quận Tân Phú, TP.HCM) tâm sự khi dẫn con đi xem chương trình thiếu nhi, cả nhà chị cùng đi. Vì vậy, chị luôn muốn tìm vở diễn không chỉ cho con mà phụ huynh cũng được “hưởng ké” một chút.
Những vở kịch về với tuổi thơ
Vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai của sân khấu Idecaf năm nay có một câu chuyện về gia đình thật giàu cảm xúc.
Ở xứ sở Hạnh Phúc, ác tiên Mắc Ma xuất hiện phù phép biến các hoàng tử thành bầy thiên nga. Và hành trình gian khổ của công chúa Ruby đi tìm, giải thoát cho các anh là câu chuyện xúc động về tình anh em.
Ngoài những mảng miếng sinh động cuốn hút các khán giả nhí, những khoảnh khắc các hoàng tử trong đôi cánh thiên nga mải miết bay không dám nghỉ để tìm về cố quốc, để được nhìn hình ảnh ngôi nhà thân thương, những người trong gia đình rồi vội vã ra đi khiến không ít khán giả rưng rưng.
Bởi gia đình – bến bờ yêu thương ấy dễ chạm vào cảm xúc từng người. Vì thế nên sau khi thoát khỏi kiếp nạn, câu đầu tiên mà hoàng tử và công chúa vui mừng thốt lên là “Về nhà thôi!”.
Gia đình là giá trị quan trọng nên không chỉ truyện cổ tích đề cao mà trong những vở diễn đề tài hiện đại, đề tài gia đình cũng ưu tiên số 1.
Năm nay, sân khấu Hồng Hạc tiếp tục chuyển thể tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ để làm món quà cho khán giả nhí lẫn phụ huynh.
Dõi theo câu chuyện của bốn nhân vật Cu Mùi, Hải cò, Tũn, Tí sún đan xen giữa quá khứ và hiện tại, người xem không chỉ được sống lại các ký ức tuổi thơ đáng nhớ mà còn suy ngẫm về cách cha mẹ/ người lớn ứng xử như thế nào với sự tinh nghịch, muốn khác biệt, tự do và những sáng tạo, tưởng tượng đôi khi hết sức lạ lùng của con trẻ.
Rất hiếm khi phản hồi về các vở kịch, bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của mình nhưng lần này nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ với bà bầu Việt Linh:
“Các bé 8 tuổi nhập vai nhân vật 8 tuổi, các bé đóng chính mình nên diễn rất tự nhiên, diễn kịch mà như đang rong chơi, đang đùa nghịch với bạn bè… Tôi quan sát thấy không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thích. Đúng là vở kịch này không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cho những ai từng là trẻ em”.
Các khán giả nhí cũng để lại nhiều cảm nhận dễ thương trong sổ tay của sân khấu, như khán giả nhí Thái An viết: “Con thích vở kịch này lắm vì con đã thấy được một tuổi thơ trong sáng của bốn bạn nhỏ, không như tụi con suốt ngày máy tính, điện thoại…”.
Gia đình luôn là giá trị lớn lao
Ông Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc sân khấu Idecaf – chia sẻ chương trình Ngày xửa ngày xưa được thực hiện qua 34 số, tuy là bối cảnh và câu chuyện khác nhau nhưng vẫn có câu chuyện gia đình, tình cảm bạn bè, thầy cô.
“Vì đó là thế giới chủ yếu mà trẻ con đang sống nên khi xem các cháu sẽ thấy gần gũi và dễ đồng cảm hơn. Không chỉ là kịch thiếu nhi của chúng ta, mà rất nhiều vở nhạc kịch, phim thiếu nhi trên thế giới đều như thế”.
Nhìn từ mong muốn của khán giả, chính vì nhu cầu “cả nhà cùng xem” nên ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết ê kíp cũng phải xây dựng vở diễn để phụ huynh xem thấy có bóng dáng của mình trong đó.
Trong một số vở, phụ huynh còn bị “rầy” hay nhắc khéo vì sự áp đặt của mình khiến con trẻ cảm thấy bức bối, không hạnh phúc.
Biên kịch Việt Linh thì cho biết Hồng Hạc chọn chuyển thể Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là đi trên dây giữa chính kịch có đề tài/ nhân vật thiếu nhi và kịch luận đề, bởi đối tượng mà vở muốn gửi gắm thông điệp còn là các bậc cha mẹ.
Quang Thảo – tác giả của những kịch bản Ngày xửa ngày xưa khai thác đậm tình cảm gia đình – chia sẻ việc khai thác đề tài gia đình là không bao giờ nhàm chán và cạn kiệt, cơ bản vẫn là mối quan hệ đó nhưng mỗi năm ê kíp luôn tìm kiếm cách khai thác mới – từ hình thức vở diễn, bối cảnh đến tình tiết – để từ đó lan tỏa đến các bé tình yêu thương gia đình, bạn bè, thầy cô một cách hiệu quả.
Năm nay, Nhà hát Trần Hữu Trang ra mắt vở Vương quốc nhồi bông. Vở cải lương thiếu nhi duy nhất mùa hè này kể câu chuyện những em bé với những mảnh đời khác nhau được bà Tiên bông cho vào Vương quốc nhồi bông để được có những niềm vui trẻ thơ, được sống đúng theo mong muốn của mình.
Bí mật trăm đốt tre của sân khấu Trương Hùng Minh dựa trên truyện cổ tích Cây tre trăm đốt có sự phá cách với cuộc chiến của những vị thần. Tuy nhiên, cái gốc cơ bản vẫn là tình yêu chân thành của Tươi – Xinh, động lực để Tươi đi tìm cây tre trăm đốt với mong ước có một mái nhà hạnh phúc.
Kịch xiếc Huyền sử Rồng Tiên ra mắt dịp giỗ Tổ và hứa hẹn trở lại mùa hè năm nay là câu chuyện lý giải nguồn cội của dân tộc nhưng vẫn thấm đẫm trong đó là sự yêu thương, gắn bó tình cảm của cha mẹ và con cái.
Theo Báo Tuổi Trẻ