Mùa mua sắm cuối năm tại Hà Nội vốn sôi động, nay lại trở nên ảm đạm khi các cửa hàng thời trang tại chợ truyền thống và trung tâm thương mại đều vắng khách.
Những ngày cuối năm, ngược lại với nhịp sống sôi động của phố phường Hà Nội, các cửa hàng thời trang lại rơi vào tình cảnh vắng vẻ chưa từng có. Từ những quầy hàng nhỏ ở các chợ truyền thống đến những cửa hàng lớn trong các trung tâm thương mại sầm uất, hình ảnh các tiểu thương ngồi chờ khách đã trở thành khung cảnh quen thuộc trong mùa mua sắm năm nay.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), một khu chợ truyền thống với nhiều tiểu thương kinh doanh quần áo đủ loại, từng là nơi tấp nập người mua kẻ bán mỗi dịp cuối năm. Nhưng mùa đông này, vòng quanh chợ bao trùm bởi dáng vẻ đìu hiu khi lượng khách ghé thăm quá ít. Những tiểu thương thường bận rộn với việc tư vấn, gói hàng nay lại ngồi trò chuyện, thở dài trong sự mòn mỏi.
Các gian hàng thời trang trong chợ truyền thống vắng khách |
Chị Hoa, một tiểu thương bán quần áo tại chợ Cổ Nhuế than thở: “Bình thường vào thời điểm này trong năm, khách đến mua đồ cho mùa đông nhiều lắm. Năm trước tôi phải thuê thêm người phụ bán, bận rộn từ sáng đến chiều tối, nhưng năm nay, khách giảm nhiều. Dù đã giảm giá hết mức nhưng cũng chỉ lác đác vài người đến xem, chủ yếu hỏi giá xong rồi bỏ đi”.
Theo chị Hoa, giá cả của nhiều mặt hàng thời trang tại chợ đã giảm sâu để thu hút khách, một số tiểu thương đã chọn cắt giảm lợi nhuận, tìm nguồn hàng rẻ hơn, thậm chí là bán dưới giá vốn để cầm cự qua mùa đông. Các loại áo khoác từng có giá từ 500.000 – 800.000 đồng nay giảm xuống còn khoảng 300.000 – 400.000 đồng. Quần jeans hay áo len thường bán với giá khoảng 300.000 – 400.000 đồng, nay chỉ còn 150.000 – 250.000 đồng. Tuy nhiên, dù giảm giá đến mức khó có thể thấp hơn, nhiều tiểu thương vẫn ngậm ngùi chứng kiến cảnh vắng khách, khi người mua vẫn thắt chặt chi tiêu và ưu tiên các nhu cầu thiết yếu hơn. Nỗi lo về doanh thu giảm mạnh khiến chị Hoa và các tiểu thương khác không khỏi lo lắng cho cái Tết sắp tới.
Các chủ quầy hàng hết “đứng” lại “ngồi”, mòn mỏi chờ khách |
Tình trạng ế ẩm không chỉ xuất hiện tại các chợ truyền thống mà còn ở cả những trung tâm thương mại sầm uất như: Lotte Center, Vincom Nguyễn Chí Thanh… Dọc theo các hành lang được trang trí rực rỡ với đèn nháy và cây thông Noel, các cửa hàng thời trang lớn nhỏ đều đồng loạt trưng biển khuyến mãi, giảm giá. Các thương hiệu nổi tiếng còn tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn như “Mua 1 tặng 1” hoặc “Giảm giá đến 90%” nhưng số lượng khách hàng đến mua sắm vẫn giảm sút rõ rệt.
Quản lý một cửa hàng thời trang ở Lotte Center cho biết: “Thời điểm này những năm trước, cửa hàng luôn kín khách, thậm chí còn phải xếp hàng để thử đồ. Nhưng giờ, dù đã tung ra khuyến mãi lớn, lượng khách vẫn rất ít. Nhiều người vào chỉ ngắm, chụp ảnh rồi đi, chứ ít ai mua sắm thực sự. Doanh thu hiện tại của cửa hàng cũng giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái”.
Tại các trung tâm thương mại sản phẩm giảm giá mạnh nhưng vẫn không thể thu hút được khách hàng |
Không chỉ riêng Lotte Center mà các trung tâm thương mại khác như Aeon Mall hay Vincom Mega khác cũng gặp tình trạng tương tự. Nhiều chủ cửa hàng phải đối mặt với áp lực chi phí thuê mặt bằng cao trong khi doanh thu không bù nổi chi phí.
Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 540 chợ truyền thống đang hoạt động và hơn 60 trung tâm thương mại lớn, nhỏ. Dù số lượng các chợ vẫn tương đối ổn định, song tình hình mua sắm không mấy khả quan, với lượng khách đến giảm đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Khảo sát nhiều tiểu thương và hệ thống phân phối cho biết, lượng khách hàng đến mua sắm ở chợ và trung tâm thương mại đã giảm từ 20 – 30%, thậm chí mức sụt giảm còn thể hiện rõ rệt hơn trong các ngành hàng không thiết yếu như quần áo và giày dép đến 40 – 50%.
Các cửa hàng phải đối mặt với áp lực chi phí thuê mặt bằng cao trong khi doanh thu không bù nổi chi phí |
Lý giải nguyên nhân này, một số chuyên gia kinh tế cho biết, trước tiên là tình hình kinh tế sau đại dịch vẫn còn khó khăn và ảnh hưởng của bão Yagi, với giá sinh hoạt tăng cao khiến người dân ưu tiên chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu, làm giảm lượng khách đến các chợ và trung tâm mua sắm. Thêm vào đó, hành vi tiêu dùng thay đổi khi mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, thu hút khách hàng nhờ sự tiện lợi và giá cả cạnh tranh. Tình trạng này càng khiến tiểu thương chật vật duy trì doanh thu trong bối cảnh khuyến mãi liên tục không đủ sức kéo khách hàng quay trở lại.
Chị Trang, một bà mẹ 4 con tại Hà Nội dự định Tết năm nay chỉ mua quần áo mới cho các con, còn hai vợ chồng chị thì chỉ tận dụng lại đồ cũ vì kinh tế gia đình năm nay khó khăn hơn mọi năm. Đáng chú ý, chị Trang chia sẻ đã thay đổi thói quen mua sắm, “thường mua quần áo cho gia đình trên mạng vì vừa rẻ lại đỡ tốn công đi lại. Chỉ cần săn khuyến mãi online là có thể mua được đồ với giá rất hợp lý” – chị Trang chia sẻ.