Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Thị trường hàng hóa: Ca cao bứt phá, năng lượng phủ sắc xanh

Thị trường hàng hóa: Ca cao bứt phá, năng lượng phủ sắc xanh

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày đầu tuần 30/12. Đáng chú ý, sau khi hạ xuống mốc hơn 10.000 USD/tấn vào phiên trước, giá ca cao quay đầu tăng vọt gần 14% và đang hướng lên lại đỉnh lịch sử. Diễn biến đồng pha, thị trường năng lượng khởi sắc khi toàn bộ 5 mặt hàng đồng loạt tăng giá, trong đó mặt hàng dầu thô với giá đóng cửa ở mức cao nhất trong 2 tuần.

Ảnh minh họa.

Giá ca cao bật tăng mạnh sau 1 tuần sụt giảm

Thị trường nguyên liệu công nghiệp chứng kiến diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần, trong đó giá ca cao ghi nhận mức tăng ấn tượng sau một tuần giảm mạnh.

Cụ thể, giá ca cao hợp đồng tháng 3/2025 trên Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE-US) tăng vọt 13,66% trong phiên hôm qua, lấy lại toàn bộ mức giảm của phiên cuối tuần trước. Đà tăng chủ yếu đến từ những lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung trong những tháng đầu năm 2025.

Nông dân trồng ca cao tại Bờ Biển Ngà lo ngại về nguồn cung trong những tháng đầu năm 2025 do ảnh hưởng của gió mùa khô mạnh tại các khu vực sản xuất chính. Gió Harmattan mạnh kèm với lượng mưa thấp đang ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng ca cao. Những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Trung Tây Daloa, trung tâm Yamoussoukro và trung tâm Bongouanou, là những nơi rất ít hoặc gần như không có mưa.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu ca cao tại Bờ Biển Ngà ước tính từ 1/10 – 29/12 lượng ca cao cập cảng tại quốc gia này đạt 1,05 triệu tấn, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự gia tăng này chủ yếu là kết quả của sản lượng và xuất khẩu ca cao niên vụ 2023-2024 trước đó giảm mạnh.

Thực tế, so với các vụ mùa bình thường trước đây, lượng ca cao cập cảng trong vụ hiện tại vẫn ở mức thấp. Hơn thế, mức tăng trong tuần này đã giảm 2,7 điểm phần trăm so với mức tăng tính đến ngày 22/12.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá 2 mặt hàng cà phê tiếp tục giằng co với các yếu tố hỗ trợ và gây áp lực đan xen. Trong phiên giao dịch hôm qua, giá cà phê Arabica giảm 0,51% và Robusta giảm 0,65% so với tham chiếu.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong sáng nay (31/12) ghi nhận ở mức 120.000 – 120.500 đồng/kg, giá giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê đã tăng gấp đôi.

Thời tiết lạnh tại Mỹ đẩy giá dầu lên đỉnh 2 tuần

Theo MXV, khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường năng lượng khởi sắc với toàn bộ 5 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Trong đó, sau phiên giao dịch giằng co, giá dầu đóng cửa ở mức cao nhất trong hai tuần.

Giá dầu thô WTI tăng 0,55% lên gần 71 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tăng 0,3% lên 74,4 USD/thùng. Đáng chú ý, giá khí đốt tự nhiên đang dao động ở mức cao nhất trong vòng một năm qua.

Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ, thời tiết sẽ thay đổi đột ngột từ ôn hòa sang lạnh hơn bình thường trên khắp miền Đông và Trung Tây nước này trong 8-14 ngày tới. LSEG còn ước tính rằng số ngày cần sưởi ấm tại Mỹ, thước đo nhu cầu năng lượng để sưởi ấm, sẽ tăng lên 499 trong hai tuần tới, từ mức 399 được đưa ra trước đó. Thời tiết lạnh hơn dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm và tác động “bullish” mạnh lên giá khí đốt, qua đó hỗ trợ giá dầu thô.

Bên cạnh đó, giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi dữ liệu tồn kho của Mỹ được công bố vào cuối tuần trước. Cụ thể, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 20/12 đạt gần 416,8 triệu thùng, giảm mạnh 4,24 triệu thùng so với một tuần trước.

Mức giảm do EIA báo cáo vượt qua kỳ vọng giảm 1,9 triệu thùng của giới phân tích cũng như mức giảm 3,2 triệu thùng do Viện Dầu khí Mỹ đưa ra. Điều này cho thấy nhu cầu dầu thô tại Mỹ duy trì ở mức cao, góp phần hỗ trợ giá dầu.

Theo Thời báo tài chính.

Có thể bạn quan tâm