Những người trong ngành đánh giá, việc Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thúc đẩy cho vay bất động sản là chất “xúc tác” rất tốt, giúp thị trường có khả năng hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, còn phải phụ thuộc vào hành động quyết liệt từ các ngân hàng và giải pháp tháo gỡ pháp lý cho dự án từ cơ quan chức năng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Đáng chú ý, theo Công điện, Chính phủ giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; Tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Đồng thời, có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng là chất “xúc tác” tốt giúp thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn, song còn phải dựa vào hành động quyết liệt từ các ngân hàng.
Ông Quê cho biết, bản thân doanh nghiệp của ông cũng đang có nhu cầu vay để đầu tư bất động sản. “Từ tháng 11/2022 người mua, doanh nghiệp không có nhu cầu vay đầu tư bất động sản, vì tâm lý sợ lãi suất cao, không dám vay. Tuy nhiên, bây giờ có nhu cầu vay nhưng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, nếu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại thúc đẩy cho vay bất động sản và nới lỏng điều kiện sẽ là điều rất tốt cho phục hồi kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Đồng thời, giúp nút thắt về dòng chảy vốn giữa ngân hàng và các ngành kinh tế được tháo gỡ”.
Theo ông Quê, chỉ đạo trực tiếp về tín dụng bất động sản của Chính phủ sẽ giúp tâm lý của những người có nhu cầu bình ổn hơn. Nhất là với những người đã từng thất bại khi làm việc với ngân hàng để vay vốn đầu tư như ông Quê sẽ tiếp tục làm việc lại xem thay đổi thực tế ra sao. Về vấn đề giảm lãi suất cho vay, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng, cần có lộ trình, thường sẽ mất khoảng 2 quý để thẩm thấu.
“Hiện vay bất động sản lãi suất thấp nhất của cố định năm đầu là 8%/năm, 18 tháng là 9%, còn 24 tháng là 9.5%. Tuy nhiên, khi thả nổi sẽ vào khoảng 11 – 11.5%/năm. Thông thường, khi lãi suất thả nổi xuống 9.5 – 10.5%/năm thì thị trường sẽ tốt trở lại”, ông Quê nói.
Theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, đây là vui cho thị trường bất động sản. Bởi điều này sẽ tác động tốt tới thị trường nhà đất. Thứ nhất, giúp tăng trưởng dụng bất động sản, dòng tiền chảy vào thị trường nhiều hơn. Thứ hai, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất có thể thấp hơn.
“Giai đoạn trước, lãi suất rất cao nên gần không ai muốn mua nhà. Họ phải chịu lãi suất lên tới 13 – 14%/năm. Theo đó, họ có tâm lý đi thuê và chờ đợi cơ hội mua sau. Tuy nhiên, việc Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy cho vay tín dụng bất động sản, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, cắt giảm các thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người mua nhà, dự án tiếp cận được nguồn vốn sẽ gỡ khó rất nhiều vấn đề cho thị trường hiện nay. Theo đó, nút thắt về nguồn vốn coi như đã một phần được cởi bỏ”, ông Toản nói.
Ngoài ra, ông Toản cho rằng, nguồn cung bất động sản đáp ứng nhu cầu thực hiện nay quá ít. Kéo theo đó, giá bán bất động sản cũng tăng lên rất cao.
“Theo tôi, điều này như mở vòi nước nhưng lại đóng van cấp nước. Tức cho người mua nhà, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng hơn nhưng chưa giải quyết triệt để vấn đề pháp lý để tăng nguồn cung nhà ở”, vị này chia sẻ.
Với cương vị là lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Toản cho rằng, hiện các doanh nghiệp “ngại” vay để phát triển dự án mới, trừ trường hợp hoàn thành nốt dự án. Bởi, các vấn đề về thủ tục hành chính vẫn chưa tháo gỡ để dự án có thể triển khai ngay.
“Có những dự án đã xong thủ tục ban đầu nhưng tới khâu định giá đất lại chưa được giải quyết. Theo đó, dự án tiếp tục nằm đắp chiếu. Điều này khiến các chủ đầu tư phát triển dự án cũng không dám vay. Bởi, vay trong vòng 2 – 3 năm đã mất vài chục phần trăm lãi suất. Trong khi, để phát triển dự án cần một thời gian rất dài. Do đó, nếu vay mà chưa được triển khai dự án có thể sẽ bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Nên trong giai đoạn này nhiều chủ đầu tư họ nằm im hoặc đợi giải quyết vấn đề về pháp lý trước. Dù cũng gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng đỡ hơn”, Tổng giám đốc EZ Property nói.