Về trang chủ Kinh doanh Bất động sản Thị trường bất động sản đang “nín thở” chờ đợi

Thị trường bất động sản đang “nín thở” chờ đợi

Do khó khăn xuyên suốt những tháng qua, nhiều chủ đầu tư phải tiếp tục dời lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch, còn doanh nghiệp thì chờ đợi tín hiệu từ thị trường, nhà đầu tư cá nhân chờ đợi cơ hội đầu tư vững chắc…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

Tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường bất động sản quý 1/2023 và diễn biến thị trường bất động sản quý 2/2023”, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, thị trường bất động sản quý 1/2023 vẫn trầm lắng. Chính những chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, cũng như vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để, khiến các thành viên của thị trường rơi vào trạng thái chờ đợi.

CHỦ ĐẦU TƯ TIẾP TỤC DỜI LỊCH MỞ BÁN 

VARS cho biết, do khó khăn xuyên suốt những tháng qua, nhiều chủ đầu tư phải tiếp tục dời lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch, doanh nghiệp thì chờ đợi tín hiệu từ thị trường, nhà đầu tư cá nhân chờ đợi cơ hội đầu tư vững chắc… Kéo theo tình trạng ảm đạm là hàng ngàn dự án “án binh bất động” chờ tháo gỡ. Từ diễn biến thực tế, thị trường ghi nhận không ít thông tin giải thể, tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt tình trạng bỏ nghề, thất nghiệp diễn ra với chiều hướng tăng mạnh.

Ngoài ra dữ liệu của đơn vị thể hiện, thanh khoản trên thị trường bất động sản có xu hướng giảm rõ rệt so với giai đoạn sốt đất nửa đầu năm 2022. Cùng đó là sự thiếu vắng nguồn cung nhà ở phù hợp túi tiền của số đông người dân. Qua thống kê, nguồn cung ra thị trường quý 1/2023 đạt khoảng 25.000 sản phẩm ở tất cả các phân khúc, cơ cấu nguồn cung chủ yếu gồm sản phẩm thấp tầng, đất nền chiếm 50%. Nguồn cung sơ cấp phân bổ không đồng đều, thường tập trung ở vùng Tây Nam Bộ (chiếm hơn 40% tổng nguồn cung). Tỷ lệ tiêu thụ quý 1/2023 chỉ đạt 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, việc giá bất động sản, mà đặc biệt giá sản phẩm đất nền tại khu vực từng xảy ra sốt đất được điều chỉnh về giá trị phù hợp, khiến nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính phải cắt lỗ 10%-30%, thậm chí lên đến 30%-50% giá trị đầu tư. Hơn nữa, một số người từng thế chấp bất động sản vay tiền ngân hàng nhưng không có khả năng nộp bổ sung nên tài sản bị phát mãi, càng tạo áp lực thanh khoản cho thị trường.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thực tế quý 1/2023, tình trạng chờ đợi và trầm lắng vẫn tồn tại. Tuy nhiên, thị trường cũng xuất hiện điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao, nhất là sản phẩm nhà ở đầu tư bởi chủ đầu tư uy tín, có pháp lý rõ ràng, phục vụ nhu cầu thực, thanh khoản tốt trong dài hạn, nhu cầu cho thuê cao.

“Căn hộ chung cư để ở với quy mô, tiện ích, chất lượng tốt hiện nay tại khu vực trung tâm thành phố lớn đã có tốc độ dịch chuyển dân số cơ học, nhờ sự phát triển của khu công nghiệp, khu trung tâm dịch vụ du lịch. Ngoài ra, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục trở thành phân khúc lựa chọn hàng đầu”, ông Đính nhận định và cho rằng, kể từ đầu tháng 3, khi Chính phủ đưa ra nhiều động thái tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, thị trường bắt đầu ghi nhận thêm tín hiệu quan tâm của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

QUÝ 2 SẼ CÓ NHIỀU VĂN BẢN PHÁP LUẬT GIÚP THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Dự báo quý 2, Chủ tịch VARS tin tưởng sẽ có nhiều văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả ngàn dự án đang “đắp chiếu” chờ đợi tham gia vào thị trường. Nhưng để thị trường thật sự thoát khỏi trạng thái trầm lắng, VARS kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước đẩy nhanh việc ban hành văn bản dưới luật, có tính chất tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý đối với dự án đầu tư phát triển vốn “án binh bất động”.

Đồng thời giám sát thực hiện, theo dõi thúc đẩy văn bản đã ban hành giúp việc thực thi hiệu quả; sớm sửa đổi nghị định, thông tư liên quan đến chuyển đổi giá, tính tiền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội, xây dựng quy trình phê duyệt thủ tục chuẩn bị đầu tư; giám sát quá trình thực thi của địa phương, có chế tài xử lý nếu không làm hết trách nhiệm;

Có giải pháp thu thập tổng hợp, khai thác thông tin nhằm điều tiết cung-cầu thị trường bất động sản an toàn lành mạnh, bền vững; các doanh nghiệp có dự án bị ách nhiều và kéo dài chắc chắn bị “hụt hơi”, thậm chí phá sản nên cần chính sách tích cực của nhà nước như: giãn, hoãn các khoản nợ vay, thuế.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Hải Phát kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng gỡ bỏ vướng mắc pháp lý. Mở rộng đối tượng được vay, hưởng ưu đãi tín dụng cho sản phẩm giá trị thấp, dự án mới, dự án thương mại. “Đặc biệt cần sự hỗ trợ về thuế, bởi giai đoạn dịch Covid, chúng ta thấy đơn vị bất động sản được chậm thuế 6-12 tháng. Tôi nghĩ giai đoạn này khó khăn không kém giai đoạn Covid, vì vậy nên thực hiện ngay”, ông Chung nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, bất động sản là một phần cấu thành nền kinh tế, gỡ một ngành quan trọng mà ngành đó liên quan đến nhiều ngành đi kèm thì không thể không làm. Trong đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xem như mở đường giúp doanh nghiệp phát triển để “kéo cày” trả nợ. Hiện nay, mỗi doanh nghiệp giống một con người đang gặp vấn đề về sức khỏe, các giải pháp liên quan đến nguồn tiền sẽ cần thiết cho việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án và duy trì hoạt động kinh doanh.

Qua tính toán, bất động sản ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến khoảng 50 ngành trong nền kinh tế. Đáng chú ý những ngành, nghề dễ nhận ra gồm ngân hàng, nhà thầu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Một kinh nghiệm nhãn tiền là chúng ta có thể nhìn vào bài toán của bất động sản Trung Quốc, Chính phủ nước này đang nỗ lực giải cứu ngành bất động sản nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo vneconomy.vn

Có thể bạn quan tâm