Về trang chủ Chưa được phân loại Thẻ vàng khai thác thủy sản: Nếu không cải thiện, thẻ sẽ đổi màu

Thẻ vàng khai thác thủy sản: Nếu không cải thiện, thẻ sẽ đổi màu

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp (khai thác IUU). Năm 2018, xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017. Đầu năm 2019 đến nay, xảy ra 16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Các chuyên gia lo ngại: Không những không được gỡ bỏ thẻ vàng, mà còn có nguy cơ chuyển màu thẻ từ vàng đang đỏ.

Tàu đi lạc, cảng bệ rạc
Khi bị cảnh báo thẻ vàng, sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam đã và đang bị kiểm tra rất chặt với tỷ lệ 100% lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Thế nhưng, việc thực thi pháp luật kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác IUU cũng còn diễn biến phức tạp.

Trong năm 2018, xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017, tập trung tại các nước gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia…. Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, đã xảy ra 16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bị cảnh báo thẻ vàng, sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam đã và đang bị kiểm tra rất chặt với tỷ lệ 100% lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết: Hiện nay, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển của các nước bằng công cụ khai thác thủy sản mang tính huỷ diệt như xung điện rất nhức nhối. Lực lượng chức năng nhận thấy các tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển của các nước Indonesia, Malaysia, Campuchia diễn ra thường xuyên.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải có chế tài xử lý mạnh tay đối với các đối tượng cầm đầu, tổ chức bà con ngư dân tham gia đánh bắt thủy sản trái phép. Ông Trần Châu -Phó chủ tịch tỉnh Bình Định, kiến nghị: Việc xử phạt các ngư dân, thuyền trưởng, chủ tàu vi phạm còn quá nhẹ. Các bộ, ngành trung ương phải đưa ra các quy định cứng rắn hơn, nên bổ sung quy định xử lý hình sự thay vì chỉ tuyên truyền. Nếu không, tình hình vi phạm đánh bắt thủy sản trái phép trên biển còn tiếp diễn.

Ông Lê Văn Sử -Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: Về cơ sở hạ tầng, cảng cá đủ tiêu chuẩn cho tàu cập bến-triển khai hoạt động kiểm soát chưa nhiều, chỉ đáp ứng được 20-30%; Trình độ của thuyền trưởng còn kém, thiết bị giám sát hành trình cần có ứng dụng dễ dàng để cho thuyền trưởng ghi nhật ký…. Muốn gỡ thẻ vàng, hạ tầng cảng biển phải làm đồng bộ, vệ sinh sạch sẽ. Nếu EC đi kiểm tra, họ thấy bệ rạc, cảng không ra cảng, vệ sinh môi trường bẩn thỉu, chúng ta có nói mấy cũng trở thành vô nghĩa.

Cảnh báo nguy cơ thẻ đỏ
Tại Hội nghị Báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU cuối tháng 4/2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho biết: “Dự kiến cuối tháng 5 đầu tháng 6/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra thực hiện 4 nhóm khuyến nghị khắc phục chống khai thác IUU gồm: Khung pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật; Truy xuất nguồn gốc.

Lãnh đạo các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN cần phải đóng góp ý kiến thẳng thắn nhằm khắc phục tình trạng trên. Với khát khao xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, văn minh thì không thể để tình trạng EC phạt thẻ vàng đối với hải sản. Hơn nữa, nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC, nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ. Điều đó có nghĩa tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Hơn nữa, EU là thị trường tín chỉ, vì vậy các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản Việt Nam”.

Ông Nguyễn Quang Hùng -Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện đáng kể. Sự chỉ đạo của các cấp, các ngành tại địa phương chưa thực sự quyết liệt, xử lý vi phạm chưa nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, công tác thực thi pháp luật để đảm bảo việc ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác còn nhiều thiếu sót.

Số lượng hay chất lượng
Liên quan đến 9 khuyến nghị của EC đối với hải sản khai thác của Việt Nam để đảm bảo khai thác một cách bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đúc kết: “Còn 4 nội dung mà EC khuyến nghị vẫn chưa đáp ứng. 1/Tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu vực biển Đông vẫn còn tiếp diễn, diễn biến phức tạp;

2/Hầu hết các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra phần lớn đều nằm trong lỗi hệ thống kiểm soát trong chuỗi; 3/Cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng; 4/Nguồn nhân lực cho quản trị”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Sắc -Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản Việt Nam, cho rằng: Hiện nay, Việt Nam vẫn đang bàn nhiều tới khó khăn mà chưa nói tới giải pháp cụ thể, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ để thoát khỏi thẻ vàng. Vừa qua tại hội chợ thủy sản Boston, Thái Lan làm một chương trình truyền thông về việc làm sao để thoát khỏi thẻ vàng của EC sau 4 năm. Rõ ràng, Việt Nam cần phải có kế hoạch, quy trình về việc làm cái gì trước, cái gì sau và có thời gian cụ thể.

Những năm 1960, quốc gia Na Uy có 6 triệu dân với 60 chục ngàn tàu cá, đánh bắt 2 triệu tấn cá/ năm, giờ đây họ chỉ có 2 ngàn tàu cá nhưng vẫn đánh bắt được 2 triệu tấn cá mỗi năm. Điều đó có nghĩa Na Uy đã biến ngành cá của họ từ một ngành thô sơ lên chuyên nghiệp. Đây là điều mà Việt Nam phải học. Việt Nam phải là nước có nghề cá phát triển bền vững, ngư dân phải có cuộc sống ấm no.
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn

Tạm nhập-tái xuất: Nguy cơ Việt Nam thành bãi đáp nông sản thế giới

Nữ giáo viên ôm trai lạ chữa sốt rét: Người vợ đòi 500 triệu để ra khỏi nhà

Xuất khẩu tôm: Hướng đến mục tiêu 4,2 tỷ USD trong năm 2019

Sản xuất nông sản sạch: Để “người sản xuất tử tế” không bị thua thiệt

Có thể bạn quan tâm