Thiếu nhân lực nên các bác sĩ ở nhiều trạm y tế phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau; một số cơ sở y tế dù được đầu tư trang thiết bị khá đầy đủ nhưng do thiếu nhân lực nên không thể triển khai được, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cũng như chất lượng dịch vụ y tế.
Chưa triển khai hết năng lực khám, chữa bệnh
Trạm Y tế phường 8, quận Gò Vấp (TPHCM) được xem là trạm y tế điểm, có 4/7 nhân sự là bác sĩ. Trạm cũng được trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ, đáp ứng yêu cầu hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Hiện trạm có 14 phòng chức năng, máy X-quang, máy siêu âm, đo điện tim, máy xét nghiệm… và cả hệ thống Telemedicine kết nối hội chẩn trực tuyến với những bệnh viện tuyến trên. Trạm chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc hơn 100 người cao tuổi khám và nhận thuốc định kỳ, hỗ trợ y tế cho người khuyết tật… Mỗi ngày, trạm tiếp nhận trên dưới 20 người dân đến khám, lấy thuốc điều trị. Với số lượng này, nhân sự tại trạm vẫn có thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, mỗi khi đến đợt tiêm vắc xin cho trẻ em, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, hay các đợt tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng…, các y bác sĩ khá chật vật. Bởi các bác sĩ, nhân viên tại đây không chỉ khám, chữa bệnh mà còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Như đợt tiêm ngừa vắc xin cho trẻ em vừa rồi, trạm phải bố trí nhân sự ở các phòng khám sàng lọc, phòng tư vấn, theo dõi sau tiêm… Khi các bà mẹ đưa con đến đông hơn mọi ngày, tình trạng ùn tắc xảy ra trong một thời gian nhất định.
Bác sĩ Trần Hoàng Hà – Trưởng Trạm Y tế phường 8, quận Gò Vấp – cho biết, so với các trạm y tế khác tại quận, thì Trạm Y tế phường 8 là nơi khang trang, nhiều nhân lực. Tuy nhiên, tính về tổng thể, trạm đang gặp một số khó khăn trong triển khai các hoạt động. “Với 7 nhân sự, trạm phải theo dõi, quản lý sức khỏe cho hơn 30.000 người dân. Ngoài khám chữa bệnh, chúng tôi còn phải triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, cùng những chương trình y tế khác. Hiện mỗi nhân sự phải kiêm nhiệm nhiều công việc, nói đúng thực tế thì làm không nổi” – bác sĩ Trần Hoàng Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số máy móc tại trạm vẫn chưa được khai thác triệt để vì thiếu nhân sự chuyên môn. Điển hình, sắp tới một số xét nghiệm sẽ được triển khai tại địa phương. Tuy nhiên việc thực hiện sẽ gặp khó khăn bởi trạm đang thiếu kỹ thuật viên xét nghiệm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh, cũng như chất lượng dịch vụ y tế.
Theo một số nhân viên làm việc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, bệnh viện khá xa trung tâm, máy móc chưa đầy đủ, một số khoa, phòng xuống cấp, chế độ đãi ngộ chưa đúng nguyện vọng… là những yếu tố khiến họ khó có thể yên tâm công tác lâu dài. Điều này cũng gây khó khăn trong tuyển dụng. Ngay cả người bệnh cũng không mặn mà đến khám, chữa bệnh. Bác sĩ Đặng Quốc Quân – Giám đốc bệnh viện – cho biết: là bệnh viện cửa ngõ phía tây bắc của TPHCM, không chỉ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn mà còn tiếp nhận bệnh nhân ở các tỉnh lân cận, nhưng bệnh viện chỉ có khoảng 600 nhân viên y tế nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh tại đây.
Tích cực giải quyết khó khăn
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng nhìn nhận y tế cơ sở vẫn còn khó khăn, thiếu và yếu nhiều mặt. Để củng cố và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, ngoài việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại thì cần có chính sách đãi ngộ phù hợp trong việc thu hút nhân lực, tăng cường bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình về địa phương. Thời gian qua, sở đã tổ chức các chương trình lắng nghe, trao đổi trực tuyến với nhân viên y tế ở các đơn vị nhằm tìm hiểu khó khăn, tâm tư, nguyện vọng… để kịp thời giải quyết, đảm bảo cho nhân viên y tế có môi trường làm việc thuận lợi.
Ông Tăng Chí Thượng nhận định: “Hiện, y tế cơ sở của TPHCM chỉ có 0,25 bác sĩ đa khoa/10.000 dân, tỉ lệ này là quá thấp. Ngoài thu hút nhân lực, cần phát triển rộng khắp mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, bởi đây là lực lượng sẽ theo dõi sát nhất các vấn đề sức khỏe của người dân”.
Để giảm bớt áp lực cho tuyến y tế cơ sở, ngành y tế thành phố vẫn đang duy trì kết nối từ xa giữa bác sĩ ở trạm y tế với bác sĩ chuyên khoa ở các bệnh viện của thành phố để được hội chẩn, tư vấn chuyên môn. Đồng thời, mở rộng danh mục thuốc cho trạm. Các bác sĩ ở trạm y tế ưu tiên hàng đầu là quản lý các bệnh mạn tính không lây. Danh mục thuốc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng được mở rộng, nhất là các thuốc điều trị ngoại trú cho các bệnh không lây nhiễm.
Sở Y tế TPHCM cũng khuyến khích, tạo điều kiện để nhân viên y tế học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ ở trong nước và ngoài nước. Các chính sách củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế cũng được xây dựng, triển khai. Cùng với các chính sách cải thiện thu nhập của Chính phủ và TPHCM đối với công chức, viên chức như tăng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm ở mức 1,8 lần tiền lương từ đầu năm 2023, tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ tháng 7/2023, góp phần bổ sung nguồn nhân lực, giảm tỉ lệ nhân viên y tế nghỉ việc.
Hiện tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc đang có xu hướng giảm. Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hải Nam cho biết: từ đầu năm đến tháng 8/2023, số lượng viên chức y tế nghỉ việc là 547 người, trong đó có 202 bác sĩ, 239 điều dưỡng… Con số này thấp hơn so với năm 2022 (1.523 viên chức y tế nghỉ việc gồm 362 bác sĩ, 816 điều dưỡng…). Số lượng nhân viên y tế đang làm việc của đơn vị y tế công lập bao gồm các trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức hiện nay là hơn 43.000 người, tăng 2.070 người so với năm 2022.
Theo Phạm An – Minh Hương/phunuonline