Bên mua lặp lại chiến lược “nhường sân” cho bên bán và chờ đợi ở vùng giá rất sâu khiến thanh khoản lại lập kỷ lục thấp mới với gần 3.450 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn. Bảng điện chốt phiên sáng vẫn tràn ngập màu đỏ, nhưng cũng đã có khá nhiều cổ phiếu “thoát đáy”…
Bên mua lặp lại chiến lược “nhường sân” cho bên bán và chờ đợi ở vùng giá rất sâu khiến thanh khoản lại lập kỷ lục thấp mới với gần 3.450 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn. Bảng điện chốt phiên sáng vẫn tràn ngập màu đỏ, nhưng cũng đã có khá nhiều cổ phiếu “thoát đáy”.
VN-Index kết phiên giảm 0,71%, tương đương -7,5 điểm so với tham chiếu, độ rộng rất kém với 92 mã tăng/353 mã đỏ. Cổ phiếu giảm giá áp đảo là điều hiển nhiên khi nhà đầu tư tiếp tục găm tiền mặt hoặc chỉ mua với giá rất thấp.
Kiểu mua này là thử thách sự kiên nhẫn của bên cầm cổ. Nếu nhà đầu tư chấp nhận bán giá thấp, thanh khoản sẽ có. Sau phiên đảo chiều bất ngờ cuối tuần trước, dòng tiền vẫn không từ bỏ chiến lược mua giá rẻ khiến cả phiên sáng nay đại đa số cổ phiếu tiếp tục giảm trở lại. VN-Index chạm đáy chỉ 15 phút trước giờ nghỉ, giảm tối đa gần 13 điểm, tương đương -1,22%. Như vậy mức phục hồi ở chỉ số vẫn còn ít.
Tuy nhiên cổ phiếu có tiến triển khá hơn. Lấy ví dụ trong rổ VN30, chỉ số đại diện đang giảm 0,85%, tức là phục hồi khỏi đáy khoảng 0,55%. Đại đa số cổ phiếu trong rổ phục hồi tốt hơn mức này (24 mã), trong đó 8 mã phục hồi trên 1%. Ấn tượng nhất là MSN, đang có mức phục hồi 4,46% so với giá thấp nhất phiên sáng và chốt tăng trên tham chiếu 1,21% sau khi có tin kết quả kinh doanh. VHM cũng lội ngược dòng tới 3,84% và quay về được tham chiếu. VIC dù vẫn đang giảm 0,84% nhưng cũng là đã hồi lại được 3,77% so với đáy. VRE cũng khá mạnh, phục hồi 2,72%, còn giảm 0,87%.
Rộng với với sàn HoSE, khoảng 36% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay đã phục hồi được trên 1%. Tỷ trọng này còn nhỏ do thị trường mới chạm đáy khoảng 15 phút cuối phiên. Ngoài VIC, VHM, VRE, MSN kể trên, một số cổ phiếu đảo chiều thành công sang vùng tăng giá với thanh khoản khá là NKG phục hồi 2,51% thành tăng 2,22% so với tham chiếu, giao dịch 66,5 tỷ đồng; VCI phục hồi 2,44% thành tăng 0,42% với thanh khoản 72,3 tỷ; DPG phục hồi 2,17% thành tăng 1,59% với 13,3 tỷ… Số khác như PVT, DGW, VND, DXG… dù vẫn còn đỏ hoặc chỉ chạm tới tham chiếu nhưng cũng đang có biên độ hồi giá khá tốt.
Trong bối cảnh cả bên mua lẫn bên bán đều kiên định với chiến lược giao dịch của mình, cung cầu không gặp nhau nên thanh khoản thấp là bình thường. Biên độ giảm giá của cổ phiếu chịu ảnh hưởng nặng nề của điểm số, nhưng thanh khoản mới thể hiện áp lực bán có mạnh hay không. Biên độ phục hồi giá là phần thể hiện sức mua bắt đầu tăng lên và lượng cung bán cản không nhiều. Với độ rộng còn quá hẹp như sáng nay thì bên mua chủ yếu giao dịch chậm ở vùng giá rất thấp và chưa có tín hiệu thay đổi. Với khối lượng bán đang treo giá hiện tại không nhiều, nếu bên mua đẩy giá lên thì mức độ phục hồi sẽ rõ nét hơn ngay cả khi thanh khoản không cải thiện.
Hiện sàn HoSE đang còn 146 cổ phiếu giảm hơn 1% so với tham chiếu nhưng trong đó chỉ có 30 mã giao dịch từ 10 tỷ đồng thanh khoản trở lên. Đây là bằng chứng rõ nét nhất của hiệu ứng lùi giá mua, hơn là áp lực bán quá mạnh để ép giá xuống.
Nhóm ngược dòng có 92 cổ phiếu thì chủ yếu cũng là thanh khoản rất thấp. CTD, NKG, DPG, MSN, PVD, KDC, MSB, VCI, HSG và HAG là các cổ phiếu duy nhất đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Thanh khoản rất nhỏ và biên độ đảo chiều rộng đủ để kéo giá xanh cũng là biểu hiện của áp lực bán yếu. Hạn chế chính là hiện tượng nâng giá mua chưa xuất hiện ở diện rộng.
Khối ngoại hiện cũng giao dịch rất nhỏ, tổng giải ngân trên HoSE mới đạt 242,7 tỷ đồng và bán ra 275,4 tỷ đồng giá trị cổ phiếu. Mức bán ròng khoảng 32,7 tỷ và cũng chỉ có 4 mã bị bán trên 10 tỷ ròng là VHM -54,7 tỷ, MSN -22,4 tỷ, VIC -15,4 tỷ và TCB -14,5 tỷ. Phía mua ròng chỉ có DGC +23,9 tỷ và VND +10,4 tỷ là đáng kể.